Tìm Kiến

Tìm kiếm chọn lọc

LỄ CÚNG ĐẦU NĂM CỦA NGƯỜI RA GLAI Ở HÀM THUẬN BẮC, TỈNH BÌNH THUẬN

Chủ nhật - 26/04/2020 23:48
Chủ lễ thực hiện nghi thức xem quẻ

Chủ lễ thực hiện nghi thức xem quẻ

Ra Glai là một tộc người cư trú ở phía Nam và Đông Nam Trường Sơn- Tây Nguyên, thuộc nhóm ngôn ngữ Malayô - Pôlynêdi. Tên tộc người được các tài liệu phiên âm là Ra Glai, Radlai, Ranglai, Rai... Địa bàn cư trú chủ yếu là vùng rừng núi và thung lũng ở độ cao khoảng 500-1000m và các đơn vị cư trú gọi là Paley.
                Trong số 32 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, người Ra Glai được coi là cư dân lâu đời và có dân số đông thứ ba sau người Kinh và Chăm. Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh năm 2019 người Ra Glai ở Bình Thuận có 21.364 người (khẩu). Trong đó người Ra Glai ở huyện Hàm Thuận Bắc có khoảng 1.782 người, xếp hàng thứ năm sau các huyện Tánh Linh (6787 người), Bắc Bình (4971 người), Hàm Thuận Nam (3490 người) và huyện Hàm Tân (2213 người). Ở Hàm Thuận Bắc, người Ra Glai sinh sống tập trung ở 3 xã: Thuận Minh với số dân 900 người, Thuận Hòa 389 người và Đông Giang 459 người...
 
               Văn hóa truyền thống của người Ra Glai ở huyện Hàm Thuận Bắc tồn tại nhiều loại hình văn hóa phi vật thể khá đa dạng và phong phú thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nội dung biểu hiện gắn với đời sống sinh hoạt của con người như: văn hóa tinh thần, tâm linh tín ngưỡng, phong tục tập quán liên quan đến vòng đời của con người, cưới hỏi, tang ma và chu kỳ sản xuất nông nghiệp... Nhờ đó các giá trị văn hóa truyền thống luôn được thực hiện và giữ gìn trong cộng đồng.

                 Trong hệ thống di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Bình Thuận, người Ra Glai đã đóng góp những giá trị về vật chất và tinh thần quan trọng, phản ánh nhiều lĩnh vực văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội. Nó ra đời sớm, luôn được tích lũy và bồi đắp hoàn thiện dần; bởi đây là nhu cầu cần thiết trên nhiều phương diện phục vụ đắc lực cho đời sống của cộng đồng dân tộc.

              Người Ra Glai quan niệm vạn vật đều có linh hồn và các yếu tố thiên nhiên như: trời, đất, núi, rừng, nương rẫy đều có quan hệ mật thiết với đời sống và sản xuất của con người. Từ niềm tin vào các thế lực siêu nhiên như vậy, người Ra Glai từ thuở sơ khai đã có nhiều nghi lễ thờ cúng thể hiện ước muốn mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm, đầy đủ cũng như khát vọng ngàn đời của các cư dân nông nghiệp khác. Với ý nghĩa đó, lễ cúng đầu năm - một nghi lễ nông nghiệp quan trọng trong đời sống kinh tế cũng như văn hóa tinh thần đã được nhiều thế hệ lưu giữ cho tới ngày nay.

               Lễ cúng đầu năm của người Ra Glai ở Hàm Thuận Bắc được thực hiện sau khi đã chặt phát, đốt dọn rẫy và những cơn mưa đầu mùa rớt hạt, thông thường vào tháng 2 - 3 âm lịch hàng năm.

          Mục đích và ý nghĩa của lễ cúng đầu năm là cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi người trong dòng họ ai được khỏe mạnh, làm ăn phát đạt và mùa màng bội thu. Lễ cúng đầu năm mang tính chất chung của cả dòng họ chứ không phải là nghi lễ riêng lẻ trong từng gia đình. Dó đó, hàng năm không phải gia đình nào cũng phải tiến hành lễ cúng mà chỉ cần một gia đình của người có vai vế lớn nhất trong dòng họ đứng ra cúng, cầu an cho cả dòng họ. Theo tập tục, khi gia đình người đại diện trong dòng họ tiến hành cúng lễ đầu năm xong thì các gia đình khác trong dòng họ mới được phép xuống giống, trỉa hạt trên nương rẫy. Vì lễ vật cúng trong lễ này không nhiều nên gia đình đại diện dòng họ không cần phải đợi sự đóng góp của gia đình khác, mà đến thời gian cúng lễ thì gia đình đại diện dòng họ tự lo lễ vật cúng, những gia đình khác cũng phải đến tham dự lễ để cầu sự bình an, may mắn và một năm làm ăn được mùa.
 

                                    Chủ lễ thực hiện nghi thức cúng mời các vị thần linh về hưởng lễ.
         
            Lễ vật dâng cúng lễ đầu gồm: 1 con gà trống, 1 ché rượu cần, 5 chén cơm, 10 chiếc bánh tét, 4 chén gạo, 1 nhánh chuối, 1 chén nước, 1 trái dừa, thuốc lá, trầu cau và trứng. Nghi lễ thực hiện bên cạnh nhà ở, tại địa điểm cúng lễ gia chủ dựng rạp lễ nhỏ cửa rạp quay về hướng Đông và phía trên giàn tế lễ cắm một số cành cây. Theo người Ra Glai, cành cây là nơi để ông bà, thần linh về trú ngụ để chứng giám những lời khấn cầu của họ.

          Trong số 5 chén cơm thì có một chén ở trong lòng phía dưới lót một miếng lá chuối, người Ra Glai ở đây quan niệm sau khi cúng xong xem miếng lá chuối để biết được điềm báo của các vị thần linh đối với dòng họ.

           Mở đầu nghi lễ, người đàn ông đại diện dòng họ làm nghi thức bưng chén rượu cần lên khấn bái, rồi hơ chén rượu trên tô trầm mời thần linh, ông bà về hưởng lễ, chứng giám và phù hộ cho con cháu trong dòng họ. Sau đó ông chủ lễ cầm cần rượu hơ trên chén trầm khấn mời thần linh và ông bà rồi cắm cần vào ché rượu cần. Lúc này mọi người trong dòng họ tiến hành vái lạy các vị thần (thần Lúa, thần Núi, thần Rừng, thần Sinh nở, thần Mặt trời…) và ông bà phù hộ cho gia đình mạnh khỏe, làm lúa được lúa, làm bắp được bắp, mùa màng bội thu. Khấn xong, chủ lễ đập hết số trứng dâng cúng để mời thần linh và ông bà thưởng thức. Tiếp đó, ông chủ lễ bưng tô nước lên và khấn mời các vị thần của người Chăm (Pô ôn, Pô sít…) rồi đổ tô nước vào ché rượu cần, vừa đổ ông vừa khấn thần Rừng, thần Núi, thần Sông và các vị thần khác…cùng ông bà phù hộ cho con cháu đầu tháng, đầu năm luôn mạnh khỏe, cầu cho dòng họ xuống mùa thuận lợi, chăn nuôi phát đạt và mưa thuận gió hòa.

            Nghi thức cúng đầu năm kết thúc, mọi người tiến hành nghi thức hạ lễ. Trước khi cúng xin phép thần linh và ông bà cho con cháu hạ lễ, chủ lễ làm phép xem quẻ bằng cách cầm 2 cánh gà tung lên và khấn báo: Hôm nay gia đình, dòng họ mang lễ vật cúng thần linh và ông bà để cầu mong phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn, trong khi cúng lễ nếu có thiếu sót gì xin ông bà lượng thứ và phù hộ cho con cháu. Hai cánh gà sau khi tung lên rớt xuống mà một chiếc úp và một chiếc ngửa thì chứng tỏ thần linh và ông bà tổ tiên đã đồng ý tiếp nhận lễ vật và sẽ phù hộ cho dòng họ. Nếu như cả hai cánh gà đều úp hoặc đều ngửa thì có nghĩa thần linh và ông bà chưa đồng ý vì còn có chút phiền lòng đối với dòng họ. Khi đó chủ lễ phải tiếp tục khấn hứa với thần linh và ông bà lần sau sẽ chuẩn bị lễ vật đầy đủ hơn.

           Sau nghi thức xem quẻ, chủ lễ lấy mỗi thứ lễ vật một ít gói trong lá chuối gồm: thịt, chuối, cơm, trầu cau, bánh tét… hơ một vòng trên tô trầm rồi để lên cành cây phía trước giàn tế lễ để dâng cho thần linh và ông bà tiên tổ. Đây là nghi thức cuối cùng để đưa tiễn thần linh và ông bà. Lễ vật được hạ xuống, trong quá trình hạ lễ là một loạt các nghi thức xem quẻ bằng cách tung hai chân gà, và hai nửa trứng gà luộc với cách thức giống như xem quẻ bằng cánh gà.
 

                                                         Chủ lễ thực hiện nghi thức xem quẻ
 
Hoàn tất lễ cúng đầu năm, người Ra Glai luôn tin tưởng hy vọng vào năm mới, đầu vụ mới với ước vọng cuộc sống sẽ ấm no, đầy đủ và tốt đẹp hơn.
Lễ cúng đầu năm của người Ra Glai ở Hàm Thuận Bắc mang tính cộng đồng sâu sắc, khơi dậy giá trị và những nét đẹp của người Ra Glai, thể hiện tình đoàn kết trong dòng họ và cộng đồng làng bản. Đồng thời qua đó giáo dục thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người Ra Glai nhằm hướng đến cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc./. 
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phòng Nghiệp Vụ Bảo Tồn Bảo Tàng tỉnh Bình Thuận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thông Báo - Giấy Mời - Văn Bản

Hiện Vật Tiêu Biểu

  • Tên hình ảnh 1
  • Ảnh khai thác cổ vật
  • Tên hình ảnh 1
  • Tên hình ảnh 1
  • Chèo bả trạo
  • Lễ nghinh ông
  • Bình gốm
  • Đàn đá
  • Rìu đá
  • Vươn miện của vua và hoàng hậu

Thư Viện Video Clip

Văn hóa Chăm Pa

Văn hóa Chăm Pa

Đã xem: 3271
13/02/2017
Khai quật cổ vật

Khai quật cổ vật

Đã xem: 2715
13/02/2017

Liên Kết WebSite

Thống Kê Truy Cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 225

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 224


Hôm nayHôm nay : 36297

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1285863

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 37556632

Đường Đi