Tìm Kiến

Tìm kiếm chọn lọc

Tháng 3 và tục cúng đất của người Việt ở Bình Thuận

Thứ sáu - 10/04/2020 08:14
Cứ vào tháng 3 âm lịch người dân Bình Thuận lại nô nức chuẩn bị cho lễ cúng đất. Quy mô tổ chức không còn thuộc phạm vi làng xã mà gói gọn trong phạm vi gia đình. Người ta thường cúng vào ngày mùng 10 tháng 3 vì cho đó là ngày vía của ông chủ đất. Ngày này ngẫu nhiên trùng hợp với ngày giỗ Tổ Hùng Vương của dân tộc Việt Nam.
Tục cúng đất hình thành trong quá trình Nam tiến của người Việt vào xứ Đàng Trong và được duy trì từ vùng Quảng Bình, Quảng Nam - Đà Nẵng, Quy Nhơn, Khánh Hòa, Bình Thuận cho đến Chợ Lớn Nam Bộ… với nhiều nghi thức khác nhau. Cúng đất được hiểu là lễ cúng của các điền chủ xưa kia. Có hai dạng cúng: tá thổ (mướn đất) và mãi thổ (mua đất).
          Theo quan niệm vùng đất này là của người xưa, nay người tiếp quản phải cúng để cầu mong việc làm ăn  trong cuộc đất được thuận lợi, không có dịch bệnh, tai ương, vì vậy còn gọi là cúng tiền chủ. Vị thần tiền chủ nầy là Ngung man nương - biến tướng của thần Uma, đạo Bàlamôn. Có quan niệm cho rằng đây là lễ cúng các thần coi giữ đất đai trong vườn. Tuy nhiên, lại có người quan niệm rằng chủ đất là thần Rắn vì vùng đất Bình Thuận trước kia có nhiều sông suối, đầm lầy, ao hồ do thần Rắn cai quản. Lễ vật cúng thần là những phẩm vật tanh tưởi như mắm, khô, cá… phù hợp với sở thích của thần.        
          Tương truyền rằng vợ chồng ông chủ đất và con trai rất khó tính nên lễ vật và nghi thức cúng phải thật đầy đủ và kính cẩn. Lễ vật cúng đất được chia ra làm 3 mâm, 1 dành cho vợ chồng và con trai ông chủ đất, 1 dành cúng thần thánh và 1 dành cúng các cô hồn xiêu mồ lạc mả. Người ta thường tiến hành lễ cúng vào lúc xế chiều vì cho rằng lúc này vợ chồng ông chủ đất sau một ngày làm việc trên rẫy đã trở về nhà và có thể nhận lễ.
          Trong mâm dành cúng vợ chồng ông chủ đất ở nông thôn nhất thiết phải có đầy đủ lễ vật gồm một con gà trống luộc chín gồm đầy đủ bộ lòng được chặt ra, rau luộc (rau muống hay các loại rau tập tàng), gỏi gồm rau sống trộn với cá đuối hoặc cá ghim, cá kho, 3 con mắm, 1 con khô cá nghéo (cá mập con), 1 miếng cá đuối nướng (hoặc cá ghim), 1 bộ tam sinh (cua hoặc tôm còn đủ chân đủ càng, trứng gà, thịt ba rọi), chè, xôi, giấy vàng bạc, trầu cau, thuốc lá, rượu, trà.
          Trong mâm dành cúng thần thánh đặt trên bàn thì có một trái dừa, hoa quả, thịt gà, một bộ tam sinh, chè xôi, gạo muối, trà, rượu, giấy vàng bạc.
Mâm dành cúng các cô hồn (la liệt) thì đặt dưới đất với chè xôi, thịt gà, một bộ tam sinh, gạo muối, trà, rượu, giấy vàng bạc, bánh nhiều màu (còn gọi là bánh con ngựa).
          Sau khi khấn vái xong, gia chủ bỏ các lễ vật này mỗi thứ một ít vào trong một chiếc gùi (có nơi gọi là xà-lét) làm bằng bẹ chuối, giống hình dạng chiếc gùi của người dân tộc, rồi đem ra để ngoài bờ sông, bờ suối gọi là lễ thần đất. Việc này ngụ ý nếu có những cô hồn không dám vào trong nhà gia chủ thì cũng hưởng được lễ vật ở chiếc giỏ này. Trong lễ cúng đất, gia chủ còn bày thêm một mâm cúng gọi là dành cho người bị xiêu mồ lạc mả hoặc người đi khai hoang mở đất bị chết mà không có ai thờ cúng.  
          Ngày nay, cư dân người Việt vẫn còn duy trì lễ cúng này vì trong tâm thức họ vẫn nghĩ rằng “đất có Thổ công, sông có Hà Bá”, “uống nước nhớ nguồn”. Cư dân cúng ông bà chủ đất để cầu mong ông bà phù hộ cho cây trái tốt tươi, con người sống yên bình trên vùng đất mới. Cho dù sống ở đâu người ta vẫn nhớ ơn người đi trước đã có công khai hoang, vỡ đất. Đó là truyền thống tốt đẹp lâu đời của người Việt và vẫn được duy trì phát huy cho đến ngày nay.


Tác giả bài viết: Võ Thị Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thông Báo - Giấy Mời - Văn Bản

Hiện Vật Tiêu Biểu

  • Tên hình ảnh 1
  • Ảnh khai thác cổ vật
  • Tên hình ảnh 1
  • Tên hình ảnh 1
  • Chèo bả trạo
  • Lễ nghinh ông
  • Bình gốm
  • Đàn đá
  • Rìu đá
  • Vươn miện của vua và hoàng hậu

Thư Viện Video Clip

Văn hóa Chăm Pa

Văn hóa Chăm Pa

Đã xem: 3243
13/02/2017
Khai quật cổ vật

Khai quật cổ vật

Đã xem: 2696
13/02/2017

Liên Kết WebSite

Thống Kê Truy Cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 374

Máy chủ tìm kiếm : 13

Khách viếng thăm : 361


Hôm nayHôm nay : 71967

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2622775

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 35846546

Đường Đi