Góc nhìn Văn hoá về nghi lễ Suk Yeng của người Chăm theo Đạo Bà Ni (Chăm Âl) huyện Bắc Bình.

Bắc Bình là huyện có người Chăm sinh sống đông nhất (khoảng trên 20 nghìn người), chiếm gần 2/3 dân số người Chăm ở tỉnh Bình Thuận. Người chăm huyện Bắc Bình chia làm hai nhóm tôn giáo chính: Chăm Ahiér (theo tôn giáo Bàlamôn) có 6 làng (Palei) và người Chăm Awal (theo tôn giáo Bàni) có 6 làng, họ sống chủ yếu bằng nghề nông. Chính vì vậy, dân tộc Chăm mới có một chuỗi hệ thống lễ nghi nông nghiệp đồ sộ chứa đựng nhiều giá trị văn hoá dân gian, được biểu hiện đậm nét qua hàng trăm lễ hội, lễ nghi còn lưu giữ đến ngày nay. Trong đó, nghi lễ Suk Yeng của người Chăm Bàni huyện Bắc Bình thể hiện đậm chất văn hóa tín ngưỡng nông nghiệp, góp phần làm phong phú và đa dạng nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
Lễ hội Suk Yeng
     Suk Yeng có nghĩa là Kinh hội xoay vòng, tức là chu kỳ lễ lặp lại vào ngày thứ Sáu của mỗi tuần trong tháng lễ ở các thánh đường người Chăm Awal. Được tổ chức theo chu kỳ thời gian của lễ Ramưwan nhưng thường tiến hành hàng năm vào tháng 10 theo lịch Sakawi Awal, tức là khoảng đầu tháng 3 theo lịch Dương. Đây là một trong những nghi lễ lớn và quan trọng của người Chăm Awal chỉ đứng sau lễ hội Ramưwan. Theo giáo luật, ông Tổng Sư cả phải chọn ngày đầu tiên cho thánh đường đầu tiên làm lễ phải đúng ngày thứ Sáu. Theo vị Sư cả Văn Lương Độ (88 tuổi) - Chủ tịch Hội đồng chức sắc Chăm Bàni tỉnh Bình Thuận cho biết: “Quy định từ xa xưa của tổ tiên ở nơi đây, thánh đường đầu tiên thực hiện lễ Suk Yeng là thánh đường thôn Bình Hòa (Palei Dik), rồi lần lượt đến thôn Bình Thắng (Palei Panat), thôn Bình Minh (Palei Aia Mamih) thuộc xã Phan Hòa, tiếp theo là thôn Bình Cảnh (Palei Cacak), thôn Thanh Khiết (Palei Njar) và cuối cùng là thôn Châu Hanh (Palei Careih) thuộc xã Phan Thanh.
 
     Suk Yeng là dịp để nhóm Tu sĩ Chăm Awal kiểm điểm lại những sai trái cùng các vấn đề nảy sinh trong đạo giáo từ chức sắc cho đến các tín đồ trong việc thực hiện nghi lễ cúng bái, sinh hoạt của tôn giáo tại các thánh đường. Bên cạnh, một số chênh lệch lịch pháp, hay các vấn đề xã hội khác cũng cần được bàn bạc, điều chỉnh trong dịp lễ Suk Yeng. Đây là dịp để đạo giáo người Chăm Awal tổng kết một năm hoạt động tôn giáo của mình và đề ra phương hướng, kế hoạch hoạt động tôn giáo trong các năm tiếp theo. Đặc biệt là tính toán việc tổ chức các nghi lễ nông nghiệp như: lễ cầu mưa, lễ cầu đảo, lễ xuống giống, gieo hạt,.. để các tín đồ Awal thực hiện trong năm.
 
     Nghi lễ Suk Yeng có giá trị văn hóa rất đặc trưng của người Chăm Awal, không chỉ đối với tầng lớp tu sĩ Po Acar mà còn có ý nghĩa cả cộng đồng người Chăm Awal và Chăm Ahiér. Bởi lẽ, Suk Yeng là dịp để các bậc tu sĩ Po Acar mở cửa thánh đường làm lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an, tẩy uế và tống khứ những tai ương, bệnh tật của năm cũ, cầu an cho năm mới. Đây cũng là dịp họp mặt của các vị chức sắc tôn giáo kể cả người Chăm Awal và Chăm Ahier để cùng nhau trao đổi thông tin, chia sẻ niềm vui. Từ đó, tạo mối gắn kết trong việc thực hiện lễ nghi tôn giáo cũng như thắt chặt mối quan hệ láng giềng, đoàn kết gắn bó bên nhau trong cuộc sống. Trong lễ Suk Yeng còn là dịp diễn ra lễ tấu chức (lễ thụ phong) cho một số vị tu sĩ Po Acar.
 
     Đứng về gốc độ văn hóa, nghi lễ Suk Yeng mang một ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tín ngưỡng thờ cúng ông bà, tổ tiên của dân tộc Chăm nói chung và người Chăm theo tôn giáo Bàni huyện Bắc Bình nói riêng. Đây là dịp để các tín đồ Awal chuẩn bị và chọn các món ăn đặc biệt nhất để dâng cúng Po Awloah (Alla), tổ tiên và ông bà, nhằm cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân sinh vật thịnh. Qua đó, nghi lễ Suk Yeng tạo nên khối đại đoàn kết của các cộng đồng dân cư từ người Chăm, đến người Kinh, người Hoa,… đều đến tham gia và chia vui cùng cộng đồng người Chăm Awal trong dịp diễn ra nghi lễ này.
 
     Vì vậy, để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của nghi lễ Suk Yeng theo đúng tinh thần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, vận hành phù hợp với thời kỳ hội nhập hiện nay. Chúng ta tăng cường công tác tuyên truyền, vận động dân tộc Chăm cần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong việc loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu đang kèm hãm sự phát triển bản sắc văn hóa và nền kinh tế của dân tộc. Đồng thời, phải biết giữ lấy những giá trị văn hóa truyền thống tinh túy nhất, nhân văn nhất, làm cho văn hóa của dân tộc mình ngày càng trong sáng, mang tính tiên tiến, đậm đà bản sắc phù hợp với chủ trương, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.
 
Lễ hội Suk Yeng

Tác giả bài viết: Lư Quốc Thiện