Hội thảo khoa học “Bảo tàng và bản sắc văn hóa địa phương”

Ngày 08/6/2016, tại Hội trường Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Văn hóa Dân tộc Thiểu số - Trường Đại học Văn hóa Tp.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tàng và bản sắc văn hóa địa phương”.
Hội thảo khoa học “Bảo tàng và bản sắc văn hóa địa phương”

Đến dự và chủ trì Hội thảo có nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Tp.HCM và Thạc sĩ Chu Anh Khoa - Giảng viên Khoa Di sản Văn hóa. Hội thảo đón tiếp gần 100 đại biểu đến từ các đơn vị như: Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Quân khu VII, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Tp.HCM, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Tp.HCM, Bảo tàng Đồng Nai, Bảo tàng Bà Rịa - Vũng Tàu, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Bạc Liêu, Bảo tàng Sóc Trăng, Bảo tàng Cà Mau, Bảo tàng Bến Tre, Bảo tàng Long An, Bảo tàng Bình Thuận, Bảo tàng Bình Phước, Bảo tàng Cần Thơ . . . và các nhà nghiên cứu của nhiều Trường Đại học, Viện nghiên cứu, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Quang cảnh buổi hội thảo (ảnh: HTS)
Sau phần đề dẫn của Ban Tổ chức, một số bài tham luận tiêu biểu cho các phần của hội thảo đã được trình bày, nêu lên vai trò vị trí quan trọng và những vấn đề thiết thực trong công tác bảo tàng, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa địa phương như các nội dung: Bản sắc văn hóa - Tiếp cận từ trưng bày bảo tàng, Bảo tàng với việc phát huy bản sắc văn hóa địa phương, Đặc trưng các bảo tàng địa phương nhìn từ bản sắc văn hóa . . .
Hội thảo đã nhận được 48 tham luận của các tác giả với nội dung về Bảo tàng và bản sắc văn hóa địa phương từ những góc tiếp cận đa dạng. Trong đó, nổi bật ba chủ đề chính: Những vấn đề về Lý luận bảo tàng, bản sắc văn hóa và cộng đồng; Thực tiễn hoạt động bảo tàng; Bảo tàng và di sản văn hóa phi vật thể. Ngoài 08 tham luận được chọn trình bày tại hội thảo, có nhiều ý kiến phát biểu, trao đổi, thảo luận về thực tiễn và đề xuất những giải pháp cũng như gợi mở hướng hoạt động bảo tàng ngày càng hiệu quả, thiết thực với công chúng tại chỗ và góp phần quảng bá di sản văn hóa, phát triển du lịch của địa phương.
Nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu làm rõ thêm vai trò vị trí của Bảo tàng đối với xã hội hiện nay và tương lại, vấn đề giáo dục truyền thống, vấn đề kết nối bảo tàng với hoạt động văn hóa, công tác nâng cao chất lượng trưng bày bảo tàng và tiếp cận công chúng  …. Điều băn khoăn là đa số Bảo tàng đều chưa thu hút được nhân dân và du khách vào tham quan; kinh phí mở rộng hoạt động trưng bày, triển lãm, bảo vệ hiện vật có hạn . . . Vì vậy,  các đại biểu đều nhất trí cao là Bảo tàng cần phải có giải pháp khả thi để thu hút người dân và khách du lịch vào tham quan như: tăng cường khâu quảng bá, hướng dẫn thuyết minh, đa dạng hóa cách thức và nâng cao chất lượng hiện vật được trưng bày, tăng cường thêm kinh phí hoạt động chuyên môn.
Ban Tổ chức hội thảo đánh giá cao những bài tham luận đã in và chưa in trong kỷ yếu, tiếp nhận những ý kiến phát biểu đề xuất tại hội thảo; khẳng định nhiệm vụ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của địa phương trong các bảo tàng. Từ đó, hoạt động cần phải được đổi mới hơn nữa, kết hợp tổ chức các hoạt động trình diễn, hội thi, giáo dục truyền thống; hội thảo trao đổi, thảo luận về phương thức giới thiệu văn hóa, lịch sử xã hội địa phương và đất nước thông qua hoạt động bảo tàng. Điều quan trọng là cần phát huy tốt hơn nữa những nét đặc trưng tiêu biểu về bản sắc văn hóa địa phương trong từng bảo tàng, gắn kết bảo tàng trong tour, tuyến tham quan du lịch.
Hội thảo nhằm tăng cường sự liên kết giữa các đơn vị Bảo tàng, ngành liên quan, các nhà nghiên cứu khoa học nhằm đóng góp cho Bảo tàng và bản sắc văn hóa địa phương./.

Tác giả bài viết: Huỳnh Thanh Sang