Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, xác minh di tích và tư liệu về sự kiện thầy giáo Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) dạy học tại trường Dục Thanh - Phan Thiết, Bình Thuận từ cuối 1910 dến đầu 1911”

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm thầy giáo Nguyễn Tất Thành dừng chân dạy học tại Phan Thiết, được sự đồng ý của Lãnh đạo Tỉnh uỷ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận và Lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch.
Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, xác minh di tích và tư liệu về sự kiện thầy giáo Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) dạy học tại trường Dục Thanh - Phan Thiết, Bình Thuận từ cuối 1910 dến đầu 1911”
Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, xác minh di tích và tư liệu về sự kiện thầy giáo Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) dạy học tại trường Dục Thanh - Phan Thiết, Bình Thuận từ cuối 1910 dến đầu 1911”.

37 tham luận của các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sỹ, các nhà nghiên cứu và của các cán bộ bảo tàng tham dự Hội thảo đã tập trung trình bày và thảo luận 4 vấn đề lớn:

1. Thẩm định, góp ý kiến cho bản báo cáo đề dẫn do Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch Bình Thuận và Bảo tàng Hồ Chí Minh dự thảo.

2. Trao đổi, phân tích, cung cấp tư liệu, xác minh tư liệu về trường Dục Thanh

3. Tập trung nghiên cứu, xác minh và khẳng định các hoạt động thầy giáo Nguyễn Tất Thành trong thời gian dạy học ở trường Dục Thanh, nhất là thời gian thầy Thành đến, rời trường và thầy dạy những môn học gì.

4. Đề xuất việc phát huy giá trị khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bình Thuận, mối quan hệ giữa nhà trưng bày chi nhánh và khu di tích; phương pháp gắn kết hoạt động của Di tích với du lịch …
Sau một ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, tổng kết Hội thảo, TS. Chu Đức Tính - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh kết luận những vấn đề đã được Hội thảo đặt ra, thảo luận và đi đến thống nhất trên các vấn đề sau:

1. Bối cảnh ra đời của trường Dục Thanh:

- Việc hình thành trường Dục Thanh năm 1907 là một trong những hoạt động hưởng ứng phong trào Duy Tân 1906 với chủ trương “Chấn dân trí, khai dân trí, hậu dân sinh”

- Mục đích chính của trường là nhằm giáo dục thanh thiếu niên với nội dung giảng dạy thể hiện tính dân tộc và lên án chế độ thực dân theo chủ trương cải cách của cụ Phan Châu Trinh (đúng với tên của trường: Dục Thanh tức là giáo dục thanh niên)

2. Sự kiện thầy giáo Nguyễn Tất Thành dừng chân ở Bình Thuận:

Về thời gian đến và rời Bình Thuận: đây là vấn đề nhiều nhà nghiên cứu đề cập tới, nhưng hiện nay vẫn chưa có tài liệu văn bản có giá trị nào được bổ sung, mà chỉ là căn cứ vào các nguồn hồi ký của các học trò thầy Thành thời kỳ đó, đặc biệt là những văn bản gốc ghi lời kể của các nhân chứng mà Bảo tàng Hồ Chí Minh có từ tháng 9/1975. Dựa vào các tài liệu hiện có và chắp nối các tài liệu với nhau, thống nhất thời điểm thầy giáo Nguyễn Tất Thành đến và rời Bình Thuận theo kết luận trong Đề tài khoa học KX02/11 cấp Nhà nước nghiên cứu về Hồ Chí Minh do Viện Hồ Chí Minh thực hiện và nghiệm thu, đã ấn hành thành sách “Hồ Chí Minh. Tiểu sử (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh ấn hành năm 2006): thầy Thành đến Bình Thuận tháng 8/1910 và rời Bình Thuận tháng 2/1911.

Các môn học thày Thành đã dạy tại trường Dục Thanh: qua phân tích có thể kết luận: thầy Thành dạy thể dục và trợ giảng hoặc dạy thay các thầy giáo khác các môn Hán văn, Quốc ngữ và tiếng Pháp.
3. Tên gọi Văn Ba: trong Hội thảo có một số ý kiến về tên gọi Văn Ba có từ khi nào và nghiêng về giả thiết là có từ Phan Thiết - Bình Thuận chứ không phải vào đến Sài gòn Người mới bắt đầu làm thẻ căn cước. Tuy nhiên, do chưa đủ tư liệu nên chưa thể kết luận, vấn đề được để ngỏ để tiếp tục nghiên cứu.

Những ý kiến, tư liệu và các đánh giá phân tích tại hội thảo đã làm rõ hơn sự kiện thầy giáo Nguyễn Tất Thành dừng chân ở Bình Thuận, tạo nên sự thống nhất trong công tác thuyết minh, tuyên truyền tại các bảo tàng, các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tác giả bài viết: Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh