Thắng cảnh bãi đá Cà Dược (bãi đá Bảy Màu)

Trải dài trên một phần bãi biển Cổ Thạch tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong là một bãi đá tự nhiên mang tên bãi đá Cà Dược (bãi đá Bảy Màu) hay còn gọi là bãi đá Cổ Thạch với vẻ đẹp lung linh, huyền ảo đầy sức lôi cuốn.
     Năm 2007, Bãi đá được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam (Vietbooks) xác lập kỷ lục là “Bãi đá Cổ Thạch có nhiều hình dạng màu sắc nhất Việt Nam” và mới đây nhất đã được UBND tỉnh Bình Thuận xếp hạng Thắng cảnh cấp tỉnh tại Quyết định số 1987/QĐ-UBND ngày 18/8/2020.

     Bãi đá Cà Dược là quần thể cấu tạo từ đá và cát, có chiều dài khoảng 1,5km, chiều rộng khoảng từ 20 - 50m, chiều dày trung bình khoảng 1,8m. Hình dạng Bãi đá có cấu tạo dạng hình cung chạy dọc theo đường bờ biển từ hướng Đông Bắc sang Tây Nam. Do tác động của dòng hải lưu, nước biển, thủy triều qua thời gian hàng ngàn năm cùng nhau bào mòn và đẩy những viên đá nhỏ lên bờ hình thành nên bãi đá con (đá cuội) như hiện nay với các kích thước khác nhau, nhiều hình thù và đầy màu sắc cùng với những đường vân rất đẹp. Dưới ánh mặt trời, các viên đá cuội đầy màu sắc này càng lấp lánh hơn cộng thêm sóng biển đánh vào làm tăng thêm độ sáng bóng lung linh cho đá. Ngoài ra còn có những khối đá to từng cụm gần bờ được xếp thành nhiều tầng với những hình dáng kỳ thú – đây là những rạn đá trầm tích được tạo thành bởi sự xâm thực mạnh của những đợt thủy triều kết hợp với bãi đá cuội.

     Dù không được chăm cấy nhưng năm nào cũng vậy, vào dịp Xuân về du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ huyền ảo của Bãi rêu nằm ở trung tâm của Thắng cảnh bãi đá Cà Dược. Từ tháng Chạp đến tháng Giêng được gọi là “mùa săn rêu” vì vào thời điểm đó mùa rêu kéo dài và đẹp nhất, phủ xanh ngát hầu như các tảng đá lớn, dọc theo bờ biển Cổ Thạch và dưới ánh mặt trời rêu xanh ngả sang vàng óng ánh. Đặc biệt ở trung tâm bãi rêu có một tảng đá lớn, hình dáng như bà lão đang lom khom bới tìm ngọc bích sát mé nước của bãi đá con. Người dân địa phương gọi đó là đá Bà Khòm.

     Đến với Thắng cảnh, ngoài việc tham quan chụp ảnh với bãi đá con đầy màu sắc, những khối đá to mang nhiều hình thù và bãi rêu xanh mướt thì du khách còn được chiêm ngưỡng bãi cát vàng mịn, được tắm dưới dòng mát của bãi biển Cổ Thạch. Tất cả tạo nên bức tranh thiên nhiên hoang sơ, tuyệt mỹ.

     Nằm về phía Tây Nam ở vị trí cuối cùng của thắng cảnh bãi đá Cà Dược có ngôi miếu Ông Cổ nổi lên và trở thành một trong những điểm nhấn của di tích, diện tích khoảng hơn 20m2. Miếu thờ Đại càn Quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh nương; ngoài ra còn thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền và Quan Thánh Đế Quân. Dịp lễ cúng chính tại miếu hàng năm diễn ra vào ngày 20 tháng 6 Âm lịch nhằm thể hiện tấm lòng tôn kính, biết ơn đến công lao của các vị thần linh đã bảo trợ, che chở cho dân làng vượt qua mọi khó khăn, ngư dân ra khơi thuận lợi may mắn và các bậc tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn đất đai, tạo lập làng và xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới./.

Tác giả bài viết: Phòng Nghiệp vụ Bảo tổn

Nguồn tin: Bảo tàng tỉnh Bình Thuận