Di sản Hán Nôm ở Phú Quý

Phú Quý hay Cù Lao Thu là “một hòn đảo đột khởi giữa biển khơi, tiếp thẳng bờ biển Phan Rí, đảo dài 150 dặm, bốn bên đều là bãi cát” như sách Đại Nam nhất thống chí đã ghi nhận. Các di sản văn hóa như tư liệu Hán Nôm, văn học dân gian và ngôn ngữ vẫn còn được gìn giữ cẩn thận nơi đây.
          Di sản Hán Nôm ở Phú Quý là các tư liệu quý hiện được lưu giữ tại các di tích lịch sử - văn hóa và trong các tộc họ. Các tư liệu này không những phong phú về số lượng, mà còn đa dạng về loại thể như: Sắc phong, liễn đối, hoành phi, công văn hành chánh, đinh bạ, điền bạ, thơ Nôm, tuồng hát Bội... Sắc phong gồm 93 đạo - một con số không nhỏ nếu so với diện tích của đảo. Văn tế có 154 bài - chứng tỏ thể loại này đã có những đóng góp thiết thực trong sinh hoạt cộng đồng ở Phú Quý. 380 câu đối trong 28 di tích là con số rất lớn. Loại hình công văn hành chính (gồm tờ bẩm, tờ trình, biên lai thu thuế, đinh bạ, điền bạ…) tổng cộng có 158 đơn vị với hơn 2.000 trang. Tuồng hát Bội gồm 25 bản tuồng với đủ mọi tình trạng (từ đủ đến thiếu trang, từ nguyên vẹn đến rách nát). Thơ Nôm gồm 10 tác phẩm sưu tầm được tại xã Tam Thanh. Chỉ có tập thơ “Đi kinh” do Bùi Quang Diêu, người ở xã Ngũ Phụng sáng tác, nhưng đến nay bản chính vẫn chưa tìm thấy. Có thể nói, đây là tác phẩm tiêu biểu miêu tả lại cuộc sống cơ cực của người dân Phú Quý vì sưu cao thuế nặng dưới chế độ thực dân phong kiến.

          Vùng đảo Phú Quý mang một hình thái xã hội riêng, nên truyền thống ở đó được bảo lưu lâu hơn, con đường hình thành truyền thống văn hóa Việt ở đây cũng dễ nhận thấy hơn. Phần lớn các tư liệu Hán Nôm trên đảo xuất hiện vào thế kỷ XX khi nền Hán học suy tàn. Các tư liệu này góp phần đánh dấu chặng cuối của quá trình dân tộc hóa, Nhân dân hóa Hán học ở Việt Nam. Nó không thuộc văn hóa cung đình mà là của những người trí thức bình dân biết chữ Hán và hòa vào văn hóa dân gian theo con đường lịch sử đã vạch ra. Nhìn một cách tổng quát, các tư liệu Hán Nôm ở Phú Quý mang những nét riêng khá đặc sắc.

          Về ngôn ngữ, chữ Nôm được dùng nhiều hơn chữ Hán. Trong các loại hình đòi hỏi sự trang trọng như văn tế, câu đối, người ta thiên về dùng chữ Hán và các văn bản chữ Hán cũng không mang phong cách văn chương, khoa cử.

          Về chức năng, nó phục vụ cho những sinh hoạt mang tính chất cộng đồng nhiều hơn là tình cảm cá nhân như hát Bội, văn tế.
 
          Về thể loại, nó chọn những thứ để ngâm nga, đọc thành tiếng và diễn xướng như truyện thơ Nôm, hát Bội, văn tế. Chúng tôi không tìm thấy một thi tập chữ Hán, chữ Nôm với những bài thơ Đường luật nào trên đảo.

         Riêng công văn hành chính của làng Thới An chính là những “châu bản” còn lại trong dân gian. Đó là một tài liệu quý cần được sao chụp, nghiên cứu và gìn giữ cẩn thận. Những tư liệu này là những cứ liệu lịch sử giúp ta có cái nhìn chính xác, sâu sắc hơn về một xã hội thu nhỏ dưới triều Nguyễn thông qua các hoạt động của làng Thới An, Thới Hanh.

          Các tư liệu Hán Nôm ở Phú Quý là một bằng chứng về sức mạnh của văn hóa Việt thể hiện qua việc tiếp nhận và bảo tồn. Từ lẽ đó, ta có thể hiểu vì sao một tác phẩm dù không nguyên vẹn vẫn được người ta trân trọng. Nó như ngọn lửa thổi bùng lên lòng tự hào dân tộc của người dân đất Việt nơi dải đất xa xôi. Một hòn đảo nhỏ nhưng có những đặc điểm riêng không thể hòa lẫn làm nên bản sắc của một Phú Quý nói riêng và của một Việt Nam nói chung. Theo thời gian, những nét đặc sắc trong văn hóa có thể sẽ bị mai một, làm thế nào để có thể phát huy và gìn giữ những cái hay, cái đẹp trong văn hóa của cư dân mới là điều quan trọng.

        Với ý nghĩa là những bằng chứng lịch sử, văn hóa, di sản Hán Nôm ở Phú Quý quả là một kho tàng thực sự. Bên cạnh việc sưu tầm, nghiên cứu và đánh giá một cách có hệ thống những thành tựu của di sản Hán Nôm ở đây, thiết nghĩ không phải là vô ích. Qua đó có thể xác lập những cứ liệu đáng tin cậy cho việc tìm hiểu truyền thống văn hóa, tinh thần, lịch sử phát triển vùng đất, truy tìm nguồn gốc cư dân hoặc một địa danh lịch sử.

         Tóm lại, tìm tòi và khám phá di sản Hán Nôm, ta sẽ bắt gặp nhiều điều bổ ích và thú vị từ ngôn ngữ cho đến tính cách con người. Tìm hiểu để bảo tồn di sản văn hóa địa phương, đó là vấn đề cần thiết ta phải làm trong giai đoạn hiện nay. Giai đoạn mà các giá trị văn hóa, đạo đức của cha ông đang ngày càng được phục hồi./.

 


Sắc ngày 11 tháng 2 năm  Minh Mạng thứ 5 (1824) phong tặng cho Bàn Tranh vương tôn thần
(hiện lưu giữ tại đền Bà Chúa Ngọc làng Thương Hải- Ngũ Phụng)

 

Tác giả bài viết: Võ Tâm - Phòng Nghiệp Vụ Bảo Tồn

Nguồn tin: Bảo tàng tỉnh Bình Thuận