GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA ĐÌNH LÀNG LONG TĨNH

Đình làng Long Tĩnh thị trấn Liên Hương huyện Tuy Phong
         Đình làng được coi là thiết chế văn hóa dân gian đặc trưng của nông thôn Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc bộ vào thế kỷ XV - XVI. Ông cha ta luôn có quan niệm “Đất có Thổ công, sông có Hà bá, địa cuộc nào có Thành hoàng đó”. Trong xã hội phong kiến, đình làng được xem là biểu tượng đặc trưng, chiếm vị trí quan trọng, gắn chặt các giai tầng xã hội, là trung tâm sinh hoạt văn hóa đa chức năng của cộng đồng làng xã; là trụ sở hành chính, là nơi làm việc của các hương chức để quản lý và giải quyết mọi công việc hệ trọng của làng. Thông qua qui mô kiến trúc của một ngôi đình có thể nhận thấy sự suy thịnh trong đời sống kinh tế của làng đó.

         Theo dòng lịch sử, khi người Việt di cư đến những vùng đất mới phía Nam thì tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán truyền thống của ông bà ở cố hương cũng được họ mang theo. Vì thế, trong quá trình di cư đến vùng đất làng Long Tĩnh thuộc thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong và cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, khi cuộc sống trên vùng ổn định thì các nhóm người, dòng tộc cùng nhau góp công của, tài lực, bắt tay xây dựng đình làng để thờ phụng Thành hoàng Bổn cảnh, các bậc Tiền - hậu hiền có công bảo trợ, chở che cho dân làng và quy tập dân cư khai mở đất đai, lập làng, giúp nhân dân trong làng có cuộc sống no ấm, yên vui và hạnh phúc.

        Đình làng Long Tĩnh thuở tạo dựng hoàn chỉnh vào đầu thế kỷ XIX, với lối kiến trúc dân gian vừa đặc trưng chung của văn hóa Việt Nam và vừa mang những yếu tố đặc trưng riêng biệt do chịu sự chi phối, tác động của điều kiện môi sinh ở vùng đất Bình Thuận. Rất tiếc qua 2 cuộc chiến tranh lâu dài, ác liệt cùng với sự thay đổi của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, đã làm cho kiến trúc ngôi đình bị hư hỏng; tuy được trùng tu tôn tạo lại, nhưng đã làm mất đi những giá trị nguyên gốc khởi dựng ban đầu; không còn bề thế với kiến trúc cổ lầu, trang trí nhiều phù điêu, hình tượng linh vật trên các diềm mái và góc mái. Hiện nay, tổng thể các hạng mục kiến trúc gồm có Cột cờ, Bình phong, Võ ca và Chính điện nằm trên trục thẳng hàng từ trước ra sau. Bên trong Chính điện bài trí các khám thờ Thành hoàng, Thổ thần (Thổ địa) và Tiền - hậu hiền; ngoài ra, còn có một số hiện vật có giá trị như: hoành phi, câu đối và các đồ tế khí phục vụ lễ hội.

          Giá trị văn hóa dân gian lưu giữ ở đình làng Long Tĩnh, đó là lễ hội diễn ra hàng năm luôn là linh hồn tạo nên dấu ấn, bản sắc văn hóa hương thôn đặc trưng và mang giá trị chung trong cơ tầng văn hóa nông nghiệp lúa nước ở Việt Nam và vừa mang tính đặc trưng riêng thích ứng với điều kiện môi sinh trên vùng đất Bình Thuận. Đây là một phần quan trọng không thể thiếu và biểu hiện sinh động nhất, nhiều nhất trong văn hóa dân gian; cả một hệ thống lễ nghi diễn ra hàng năm tại đình làng Long Tĩnh mang đậm đặc trưng, tính cách bản địa, có nhiều nội dung và phương cách thể hiện khác với đa phần các đình làng khác ở Bình Thuận. Vai trò, ý nghĩa và nội dung của lễ hội tại đình làng là hướng về cội nguồn văn hóa dân tộc; biết ơn các vị thần linh, những lớp người có công khai hoang phục hóa, lập làng, dựng đình và cầu mong cho hoạt động sản xuất nông nghiệp ổn định, được mùa và cuộc sống sung túc.

         Trong số 54 ngôi đình làng ở Bình Thuận hiện nay, xưa kia hàng năm đều có 4 kỳ tế lễ vào các mùa xuân, hạ, thu, đông nhưng do đời sống kinh tế và thời gian không cho phép nên thu hẹp lại chỉ còn 2 kỳ tế lễ chính là tế Xuân và tế Thu diễn ra vào tháng 1 hoặc 2 và tháng 8 hoặc 9 âm lịch (trong đó có một vài ngôi đình tế thu diễn ra vào tháng 11 âm lịch). Ngoài ra, còn có ngày kỵ giỗ các vị tiền hiền, hậu hiền có công khai lập làng và dựng đình. Thời gian lễ hội diễn ra tại các đình làng ở Bình Thuận khi bước vào mùa xuân thì thực hiện lễ hội tế Xuân để cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu và đời sống cộng đồng sung túc. Còn sau khi thu hoạch xong vụ hè thu trên đồng ruộng thì thực hiện lễ hội tế Thu để trả lễ cho thần linh với những gì mà cộng đồng đã cầu trong lễ hội tế Xuân.

 
 
Lễ hội Cầu Huê tại đình làng Long Tĩnh

          Lễ hội tại đình làng Long Tĩnh về thời gian diễn ra hoàn toàn khác với các đình làng khác ở Bình Thuận, về tên gọi được gọi là lễ hội Cầu Huê (Cầu Mùa) và diễn ra vào ngày 15 - 16 tháng tư Âm lịch hàng năm. Lễ hội này diễn ra gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp bắt đầu bước vào vụ mùa gieo trồng trên đồng ruộng và nương rẫy khi những con mưa đầu mùa rớt hạt làm cho đất đai đủ độ ẩm và nước để canh tác. Theo tập tục quy định, khi nào đình làng Long Tĩnh tổ chức xong lễ hội Cầu Huê và sau đó vài ngày người dân trong làng mới gieo lúa trên ruộng và gieo trồng các loại hoa màu khác trên nương rẫy của gia đình. Điểm lưu ý là trong văn tế thì Thần Nông là vị thần được mời đầu tiên, sau đó mới đến Thành hoàng, Thổ địa và các vị thần linh khác.

          Tuy lễ hội diễn ra khác nhau cả về thời gian, tên gọi cũng như mục đích; nhưng về nội dung, quy trình hành lễ cũng giống như bao đình làng khác ở Bình Thuận. Toàn bộ chương trình hành lễ diễn ra theo bài xướng lễ được Ban nghi lễ soạn thảo sẵn theo đúng trình tự, nghi thức và tập tục xưa do cha ông lưu truyền lại, khi đọc lên trong các nghi thức lễ thì xướng lễ được coi như là mệnh lệnh điều khiển các thành viên trong Ban nghi lễ (Chánh bái, bồi bái, Đông hiến, Tây hiến, Học trò lễ, Nhạc lễ, Xướng lễ) thực hiện theo như: phối nhạc lễ, dâng hương, dâng tửu, bái lạy, đọc văn tế… Lễ vật dâng cúng Thần nông, Thành hoàng, Thổ thần, Tiền - hậu hiền là những sản vật từ nông nghiệp như: cơm, xôi, bánh nếp, thịt vịt, rau quả, chuối.
 

Người dân trong làng cúng bái trong lễ hội Cầu Huê tại đình làng Long Tĩnh

          Lễ hội Cầu Huê tại đình làng Long Tĩnh mang giá trị văn hóa tâm linh đặc trưng của cộng đồng cư dân nơi đây, hướng đến khát vọng cầu mong cho hoạt động sản xuất nông nghiệp (mà chủ thể là lúa nước) được sinh sôi, nảy nở, đơm hoa, cho nhiều hạt, bội thu và cuộc sống cộng đồng no ấm. Tổ chức lễ hội và hoạt động xuống vụ mùa đã trở thành quy định bắt buộc các gia đình trong làng phải tuân thủ tuyệt đối, được họ luôn đặt niềm tin và niềm tự hào của bao thế hệ từ trước đến nay. Do đó, lễ hội diễn ra hàng năm tại đình làng luôn thu hút sự quan tâm, ủng họ sức người, tiền bạc để lễ hội diễn ra thành công theo phong tục và cũng là dịp để người dân thỏa mãn, giải tỏa nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh trong hoạt động kinh tế; đó là đề đạt ý nguyện lên các vị thần linh cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống no đủ và bình an./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Chí Phú