HOÀNG THÂN XUPHANUVÔNG VỚI THÁP NƯỚC PHAN THIẾT

Tháp nước Phan Thiết
          Hẳn những ai đến Phan Thiết lần đầu tiên sẽ không khỏi bất ngờ với tiếng còi hú lúc 7h sáng và 5h chiều phát ra từ Tháp nước Phan Thiết. Nhưng với người dân thành phố này, nó đã trở nên rất đỗi quen thuộc và gần gũi.

        Tọa lạc trong khu vực Công viên Vườn hoa, bên tả ngạn sông Cà Ty thuộc phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết, Tháp nước Phan Thiết được biết đến không chỉ là một công trình mang dấu ấn kiến trúc độc đáo mà còn liên quan đến nhân vật lịch sử nước bạn Lào, đó là Hoàng thân Xuphanuvông (sau này là chủ tịch nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào) một trí thức lớn, nhà cách mạng trung kiên, người con ưu tú của dân tộc Lào, có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng và phát triển mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt của hai nước Việt - Lào.

       Hoàng thân Xuphanuvông (1909 - 1995), xuất thân trong gia đình Hoàng tộc. Năm 11 tuổi (1920), ông được gửi sang học tại Trường Anbe Xarô (Albert Sarraut), Hà Nội. Từ nhỏ Hoàng thân Xuphanuvông đã bộc lộ là một người ham học hỏi, có sở thích tìm hiểu văn hoá dân gian, hội hoạ dân gian và năng khiếu này ngày càng được phát triển thêm trong thời gian ông học tại Hà Nội. Ngoài giờ học ở trường, ông thường dành thời gian rảnh rỗi đi thăm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hoá. Đặc biệt là vẽ tranh về đề tài phong cảnh và con người trong thiên nhiên. Cũng trong khoảng thời gian học tập tại ngôi trường này, ông đã thiết kế Tháp nước Phan Thiết - biểu tượng của tỉnh Bình Thuận ngày nay.

        Vào thời gian này tại Phan Thiết, thực dân Pháp cũng đang trong quá trình quy hoạch chỉnh trang đô thị. Việc xây dựng Tháp nước cũng được xúc tiến nhằm phục vụ cho chính quyền thực dân và người dân nội thị. Bản vẽ thiết kế Tháp nước của Hoàng thân Xuphanuvông đã được phê duyệt và được nhà thầu Ưng Du khởi công xây dựng vào năm 1928, hoàn thành vào năm1934.

        Năm 1931, sau hơn 10 năm gắn bó với Hà nội, Hoàng thân Xuphanuvông sang Pháp du học. Tháng 6/1937, ông tốt nghiệp trường Đại học Quốc gia Cầu đường (Ecole National des Ponts et chaussées) và sau đó được bổ nhiệm đến công tác tại Sở Công chánh Trung Kỳ (trụ sở đóng tại Nha Trang). Tại đây, Hoàng thân đã nên duyên với người con gái Việt có tên là Nguyễn Thị Kỳ Nam, nữ sinh trường Đồng Khánh (Huế). Lễ cưới của họ được tổ chức vào ngày 19/1/1938, tại Nha Trang.

         Trước khi dẫn thân vào con đường cách mạng ông đã thiết kế thi công nhiều công trình trên đất nước Việt Nam như đập Bãi Thượng (Thanh Hoá), đập Para Thuỷ lợi Đô Lương, cầu sắt Yên Xuân bắc qua Sông Cả (Nghệ An), thuỷ điện Đa Nhim (Lâm Đồng)… tiêu biểu là Tháp nước Phan Thiết, với dấu ấn kiến trúc độc đáo. Đến nay đã trải qua 85 năm tồn tại, nhưng Tháp nước Phan Thiết vẫn đứng vững trước sự khắc nghiệt của thời gian. Với lối kiến trúc hình trụ bát giác cao 32m, Tháp nước được chia làm 3 phần: Phần thân tháp có hình trụ bát giác, càng lên cao càng thu nhỏ lại, đường kính chân Tháp 9m, chu vi 31,2m; Phần bầu đài (bồn nước) hình bát giác cao 5m, đường kính 9m; Trên cùng là phần nóc, được kiến tạo theo dạng hình bát giác với 3 tầng mái lợp bằng ngói móc. 

         Điểm nhấn của Tháp nước là xung quanh bầu đài đắp nổi các mảnh sứ men xanh, xếp theo kiểu chữ hình tròn với 4 chữ quốc ngữ “UEPT” (viết tắt của dòng chữ Usine des Eaux de Phan Thiet: nhà máy nước Phan Thiết) và trang trí các ô thông gió bằng các hoa văn chữ Triện dọc thân tháp rất cầu kỳ tạo nên nét độc đáo, cho Tháp nước Phan Thiết.  

         Năm 2005, Tháp nước được UBND tỉnh ra quyết định công nhận là biểu tượng của tỉnh Bình Thuận. Đây là công trình chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuât, mang đậm dấu ấn của Hoàng thân Xuphanuvông và là biểu tượng của tình hữu nghị, đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt - Lào anh em. Năm 2018, Tháp nước được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh./.

Tác giả bài viết: Phòng Bảo tồn và Quản lý di tích