LỄ KHAI DIÊN HÁT BỘ (BỘI) TRONG LỄ HỘI CẦU NGƯ Ở VẠN TÚ, PHƯỜNG ĐỨC THẮNG, THÀNH PHỐ PHAN THIẾT, TỈNH BÌNH THUẬN

LỄ KHAI DIÊN HÁT BỘ (BỘI) TRONG LỄ HỘI CẦU NGƯ  Ở VẠN TÚ, PHƯỜNG ĐỨC THẮNG, THÀNH PHỐ PHAN THIẾT,  TỈNH BÌNH THUẬN
 
 
          Hát Bộ là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có từ lâu đời ở các tỉnh duyên hải miền Trung. Hát bộ thường diễn xướng các tuồng tích cổ gắn liền với lịch sử dựng và giữ nước vào các dịp lễ hội truyền thống hàng năm tại các đình làng cũng như các lăng vạn.

          Hàng năm ở Vạn Thủy Tú vào các dịp lễ hội Cầu ngư chính mùa thường có tổ chức hát Bộ; đây là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, thu hút đông đảo người dân lao động biển ở địa phương, góp phần giáo dục và khơi dậy tình yêu quê hương đất nước cũng như truyền thống lao động và đấu tranh của các thế hệ ông cha cho các thế hệ đương thời, nhất là lớp trẻ.

  

                                                                                      Diễn viên hoá trang chuẩn bị biểu diễn

          Theo tập tục, trước khi đoàn hát Bộ diễn xướng tại vạn, Ban Nghi lễ thực hiện nghi thức trình báo và xin phép Ông Nam Hải để khai diên hát Bộ. Sau ba hồi chiêng, trống, ông Trưởng vạn và Chánh bái mỗi người đốt 3 nén nhang quỳ bái và khấn báo trước khám thờ Ông Nam Hải ở Chính điện. Ông Trưởng vạn làm nghi thức dâng rượu lên khám thờ, sau đó trịnh trọng, nâng chiếc dùi trống trước khám Ông Nam Hải xin phép được khai diên hát Bộ.

          Làm nghi thức khấn bái xong, ông Trưởng vạn bưng khay lễ vật đến sân khấu nhà Võ ca, tiếp tục dâng hương, cầu khấn và dâng 3 tuần rượu lên khay lễ rồi quỳ bái; ông Chánh bái đến khay lễ lấy chiếc dùi trống rồi tiến đến đánh 3 hồi trống để khai diên hát Bộ.

          Hồi thứ nhất gọi là nhất tác viết thiêng và hô: Phong hòa vũ thuận

          Hồi thứ hai gọi là nhị tác viết địa và hô: Quốc thái dân an

          Hồi thứ ba gọi là tam tác viết nhân và hô: Bá tánh ngư dân tài hoa lộc tấn.

 
 
      Nhân dân và du khách tập trung xem hát bộ

          Trong lễ hội Cầu ngư năm nay Đoàn tuồng Phước Bình - Khánh Hoà biểu diễn 02 vở tuồng “Bạch Phi Dâng Mại Tử” và “Hoàng Ngự Đệ Tham Quan”. Trong thời gian biểu diễn tại vạn đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến thưởng thức nghệ thuật diễn xướng dân gian của các nghệ nhân. Với điệu bộ, tiết tấu, giọng hát trầm bổng, khoan thai của các diễn viên trên sân khấu hòa nhịp một cách hữu cơ với quy cách tiết tấu giục, bình, thưởng, phạt của người đánh trống chầu. Đây là nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của ngư dân Bình Thuận cũng như ven biển miền Trung mang nhiều sắc thái biển do chính cuộc sống của ngư dân sáng tạo, vun đắp nên. Nó có một sức sống khá vững bền, được truyền đi truyền lại trong xã hội ngư dân từ đời này qua đời khác.

          Theo truyền tụng trong ngư dân tại địa phương, có những năm trước đây khi khai diên hát Bộ tại vạn thì cũng là lúc đàn cá cơm nổi đỏ và áp lộng, lúc ấy trống chầu càng giụp giã, các thuyền chài vội vã rời vịnh để theo kịp đàn cá. Khi gặp may, những thuyền lưới trĩu nặng cá, họ phải tận lực mới kéo lên được và không bao lâu khoang thuyền đã đầy ắp cá. Cảnh tượng ấy vẫn còn lắng đọng vào câu chèo bả trạo:

          “Cá cơm nổi đỏ biển Đông
            Chờ cho Lạch hát theo Ông vào bờ”./.

Tác giả bài viết: Phòng Quản lý di sản văn hóa Phi vật thể