NGHỀ DỆT TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI CHĂM BÌNH THUẬN

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết xem trình diễn nghề dệt tại Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm
          Nghề dệt truyền thống của người Chăm nói chung và nghề dệt của người Chăm Bình Thuận nói riêng có lịch sử từ lâu đời, bắt nguồn và kế tục từ lớp cư dân cổ thuộc văn hóa Sa Huỳnh trước đó khoảng 2.000 năm. Qua các bộ trang phục của vương triều vua Po Klong MơNai và vương triều vua Po Klong Khul từ thế kỷ XVII hiện còn lưu giữ tại gia đình hậu duệ các vua Chăm ở thôn Tịnh Mỹ xã Phan Thanh huyện Bắc Bình; là minh chứng rõ nét cho các giá trị truyền thống của nghề dệt xưa.

          Trước đây, đa phần phụ nữ Chăm ai cũng biết dệt vải, được xem là thước đo, lối sống mẫu mực và là tiêu chí để đánh giá người phụ nữ Chăm trong xã hội theo chế độ mẫu hệ. Do ý nghĩa quan trọng đó mà nghề dệt được trao truyền nghề trực tiếp từ mẹ sang con gái hoặc từ bà sang cháu gái. Để dệt nên một tấm thổ cẩm đẹp và bắt mắt thì người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn khác nhau. Từ trồng bông (bông vải được trồng vào khoảng tháng 4 hoặc 5 dương lịch và sau 6 tháng sẽ bắt đầu thu hoạch) đến tạo sợi (gồm tách hạt, bật và cuốn bông, kéo sợi, tạo sợi chỉ, giặt sợi, trộn hồ, chải sợi, tháo chỉ và đánh ống, nhuộm chỉ), nhuộm chỉ và dệt thành phẩm.

 


Thiếu nữ Chăm dệt vải trên khung dệt truyền thống
 
         Màu của thổ cẩm thường được chọn đa phần là màu đen và trắng, người Chăm xem đây là màu cơ bản để làm nền cho sản phẩm. Ngoài ra, họ cũng nhuộm thêm một số màu khác như đỏ, vàng, xanh để tạo cho sản phẩm dệt có phần tươi mới và đẹp mắt, góp phần làm tăng thêm sự phong phú cho hoa văn trên vải thổ cẩm. Người thợ thường chọn những màu nhuộm tự nhiên từ các loại thực vật có sẵn tại địa phương thường có màu hơi nhạt, không được tươi như màu nhuộm công nghiệp nhưng đổi lại chúng có thể giữ màu từ 8-10 năm mà không phai màu; kể cả khi gặp nước. Để có được màu đen thì người thợ sẽ dùng quả thị rừng đập dập và ngâm vào nước pha với một ít vôi bột; còn màu đỏ thì dùng lá giang vò nát pha lẫn với một loại nhựa cây (người Chăm gọi là “láh”) hoặc thân cây “phun pan”; màu vàng được tạo ra từ nước của củ nghệ. Riêng màu xanh thì người Chăm Bình Thuận mua phẩm màu về nhuộm chứ họ không biết cách tạo ra màu này từ những nguyên vật liệu truyền thống. Nhuộm màu được xem là một bí thuật của các dân tộc trong quá trình tạo ra tấm vải thổ cẩm mang nét đặc trưng riêng về giá trị thẩm mỹ, bản sắc văn hoá lâu đời của dân tộc mình.

          Ngoài những tấm thổ cẩm dệt từ sợi bông, người Chăm còn dệt bằng sợi tơ tằm. Tuy nhiên, do sợi tơ rất mỏng, dễ đứt, tốn nhiều thời gian và công sức khi dệt; nên sợi tơ tằm chỉ được sử dụng để tạo hoa văn trên nền vải thổ cẩm. Hoa văn (Bingu) trên sản phẩm dệt của người Chăm ngoài chức năng làm đẹp mà còn mang các giá trị biểu trưng cho sắc thái văn hoá của một tộc người. Người Chăm thường phối những gam màu trái ngược giữa hoa văn và màu nền để tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm. Nếu màu nền là trắng thì người thợ sẽ sử dụng các gam màu đỏ, vàng, xanh và đen để tôn sắc cho hoa văn; còn màu nền là đen thì phối các màu đỏ, vàng, trắng và nền màu đỏ thì kết hợp các màu sắc như vàng, trắng, đen và xanh để trang trí cho tấm vải.

 
 
Hoa văn trên thổ cẩm Chăm
 

          Sản phẩm dệt của người Chăm phong phú, đa dạng còn tuỳ thuộc vào kỹ thuật dệt - chính là đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân nhịp nhàng trên khung dệt. Tuỳ vào mỗi loại khung dệt mà sản phẩm tạo ra có sự khác biệt; nếu trên khung dạng tấm dệt nên những tấm vải phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày của con người thì khung dạng dài chỉ giới hạn cho nhu cầu tôn giáo và tín ngưỡng. Có khoảng 30 loại hoa văn truyền thống và trên 40 loại hoa văn cách điệu mà người nghệ nhân có thể dệt trên vải. Các loại hoa văn thổ cẩm Chăm được chia thành 2 nhóm là hoa văn thực vật (quả trám, dây leo, bông mai…) và hoa văn động vật (mắt con gà, makara…). Ngoài ra, khi dệt người Chăm còn tạo những đường viền tô điểm bên ngoài hoa văn gọi là đường miang (một loại hoa văn cổ xưa còn tồn tại đến nay). Hoa văn trên vải dệt truyền thống Chăm thường được phân bố khắp mặt vải, giúp cho người may cũng như người mặc có thể tuỳ ý cắt may theo sở thích.

          Theo thời gian, do nhiều nguyên nhân tác động khách quan của lịch sử nên nghề dệt truyền thống của người Chăm ngày càng có nguy cơ mai một, mất dần. Vì thế, các sản phẩm dệt của người Chăm hiện nay chủ yếu phục vụ nhu cầu tự cung, tự cấp trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, sinh hoạt xã hội hàng ngày của dòng tộc và gia đình chứ không còn trao đổi, buôn bán rộng rãi như trước đây.

          Ở Bình Thuận, hiện chỉ còn duy trì nghề dệt trong cộng đồng người Chăm Bàni ở xã Phan Thanh, Phan Hòa (huyện Bắc Bình) và xã Hàm Trí (huyện Hàm Thuận Bắc). Tuy nhiên, người dân địa phương và du khách nếu muốn tham quan và trải nghiệm quá trình làm ra thổ cẩm hoặc có thể hoá thân thành những “thợ dệt” để tự mình dệt nên những tấm vải hay khăn thổ cẩm truyền thống thì có thể đến Trung tâm Trưng bày Văn hoá Chăm (xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình) và tháp Po Sah Inư (phường Phú Hài, Tp. Phan Thiết) vào các dịp lễ hội diễn ra hàng năm. Với những trải nghiệm thực tế đó, du khách sẽ có thể hiểu hơn về lịch sử - văn hoá lâu đời của người Chăm qua nhiều thế kỷ vẫn còn tồn tại đến ngày nay./.

Tác giả bài viết: Phòng Nghiệp vụ Bảo tồn

Nguồn tin: Bảo tàng tỉnh Bình Thuận