NGHỀ GỐM TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI CHĂM BÌNH ĐỨC (XÃ PHAN HIỆP, HUYỆN BẮC BÌNH)

Nung gốm
          Làng gốm Chăm Bình Đức (trước đây có tên gọi là Trì Đức) thuộc xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Người Chăm nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề làm ruộng nước, nương rẫy, chăn nuôi gia súc và nghề gốm truyền thống. Gốm Gọ - một tên gọi đặc trưng được nhiều người biết khi đến với làng gốm nơi đây đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Sản phẩm gốm Chăm chủ yếu sử dụng trong sinh hoạt thường ngày trong gia đình như hỏa lò, trã, khuôn bánh căn, khuôn bánh xèo, lu đựng nước và đồ dùng trong tín ngưỡng, tôn giáo.

          Theo số liệu thống kê năm 2018, tại thôn Bình Đức còn khoảng 155 người biết làm gốm. Nghề gốm là nghề “mẹ truyền con nối” từ đời này sang đời khác, sản phẩm gốm làm ra không chỉ sử dụng trong phạm vi gia đình, trong cúng lễ mà đã trở thành thương phẩm đem lại mức thu nhập tương đối ổn định cho gia đình. Quy trình làm gốm thủ công truyền thống của người Chăm Bình Đức từ khâu lấy đất đến khi hoàn thành sản phẩm gồm các công đoạn như sau:

           Lấy đất

          Loại đất được chọn là đất sét có màu vàng nhạt, có độ dẻo và mịn vừa phải, không bị lẫn lộn nhiều hạt sạn sỏi nhỏ. Đất sẽ được lấy vào mùa khô (khảng tháng 1-2 âm lịch hàng năm) và thông thường từ 5-6 gia đình cùng nhau phối hợp để lấy đất. Công việc này sẽ do đàn ông phụ trách, họ dùng các công cụ cuốc, xẻng để đào bới, lấy đất và dùng xe bò để chở đất về nhà. Khi đến nơi lấy đất các gia đình sẽ dâng cúng Thổ thần 1 con gà luộc hay cá nhám, 2 quả trứng gà, rượu và trầu cau và khấn cầu Thần phù hộ để công việc của họ bình an và thuận lợi.

          Xử lý đất

          Đất khi được vận chuyển về nhà sẽ đổ thành đống ở ngoài trời và không cần che chắn, nếu mưa to sẽ dùng bọc nilon đậy lại để tránh đất bị nhão. Người thợ sẽ đập một lượng đất vừa phải và tưới nước lên tùy thuộc vào độ khô hay ướt của đất. Đất sẽ được ủ kín bằng bọc nilon trong 1 đêm để tránh trời mưa sẽ làm đất nhão hoặc gió sẽ làm đất khô. Sáng sớm hôm sau người ta dỡ bọc nilon ra, dùng tay bóp cho đất nát đều, loại bỏ sỏi đá và nhồi bóp thành một khối mềm dẻo có độ kết dính cao. Nếu đất quá mịn và dẻo sẽ pha thêm một lượng cát nhất định để tránh trường hợp khi nung sản phẩm sẽ bị nổ hoặc vỡ.
 
           Nhào nặn sản phẩm gốm

          Sử dụng kỹ thuật nhào nặn không dùng bàn xoay với thao tác hơi khum người xuống, hai chân dịch chuyển quanh bàn kê theo chiều ngược kim đồng hồ, người thợ dùng đôi bàn tay nhào nặn để tạo dáng sản phẩm. Người thợ dùng chiếc vòng tre vót mỏng vuốt lên mặt ngoài sản phẩm để tạo độ láng mịn và miếng vải thô đã thấm nước để bẻ miệng và vuốt cho miệng gốm được tròn đều. Và vuốt lên sản phẩm với nước thổ hoàng. Gốm thô sẽ được đặt nơi thoáng mát từ 3-4 tiếng để sản phẩm tự khô và bọc kín lại để giữ độ ẩm.
 

          Chỉnh, làm bóng sản phẩm gốm ráo

         Công cụ để thực hiện công đoạn này gồm: vòng sắt, vòng tre, vòng làm bằng cây Dúi, bàn vỗ làm bằng gỗ, vỏ nghêu và đá mài. Gốm thô sẽ được chà láng với chiếc vòng làm bằng cây Duối và dùng bàn vỗ vỗ vào phần thân và đáy thật đều tay để tạo cho sản phẩm tròn đều, cân đối mà không bị méo mó hay lồi lõm. Người thợ dùng chiếc vòng sắt dày để loại bỏ những hạt cát, sạn nhỏ nhô ra trên bề mặt sản phẩm. Sau đó sẽ dùng vỏ nghêu để nạo bên trong thân và đáy sản phẩm một lần nữa để kiểm tra độ đều đặn và cân đối của sản phẩm. Sau cùng là quét lớp nước thổ hoàng lên thân gốm rồi cất ở nơi thoáng mát và dùng bọc nilon đậy kín để xương gốm không bị gió làm cho hanh khô vì như thế khi nung sẽ bị nứt bể. Khi sản phẩm đã đủ độ khô ráo cần thiết, trước lúc đưa đi nung người thợ dùng viên đá mài chà lên thân sản phẩm một lần nữa để làm bóng mịn lớp nước thổ hoàng bên trên thân gốm.

           Nung và trang trí gốm

          Nhiên liệu chính để nung gốm từ trước đến nay là củi và rơm. Địa điểm nung tại một bãi đất trống nằm cạnh con mương lớn chảy qua giữa cánh đồng lúa cách làng khoảng 300m về phía Đông. Gốm được nung từ 10-12 giờ trưa, vì đây là thời điểm trời ít mưa, có độ nắng và gió lý tưởng. Người Chăm không xây lò kín mà sắp xếp gốm nung lộ thiên. Gốm và củi được sắp thành hàng ngang vuông góc với hướng gió thổi. Dưới đáy lò thường kê gạch, đá hoặc gốm vỡ, bên trên là các lớp gốm được xếp xen kẽ với củi để đảm bảo độ thông thoáng. Do kỹ thuật nung gốm lộ thiên, lợi dụng hướng và sức gió nên sau khi đốt lò 15 phút gốm sẽ chín. Một loại nước màu nâu đen (chiết xuất từ trái thị rừng hoặc vỏ cây chùm dụ) được rảy lên thân gốm để tạo hoa văn khi gốm vừa được đưa ra khỏi lò.
 
           
       
          Gốm Chăm Bình Đức khá đa dạng và phong phú, nhiều kích cỡ chủng loại rất tiện lợi trong sử dụng và giá thành lại hợp lý. Sản phẩm chủ yếu hiện nay là hỏa lò, trã và đồ dùng trong tế lễ, tang ma. Gốm có màu đỏ nhạt với những họa tiết tự nhiên lạ mắt, mang đến những nét độc đáo và khác biệt so với gốm ở những nơi khác.
         
         Với những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời và kỹ thuật chế tác gốm cổ xưa vẫn còn được bảo lưu nguyên vẹn, năm 2012“Nghề gốm của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình” đã được công nhận và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

          Trong giai đoạn hiện nay, nghề làm gốm của người Chăm đứng trước nguy cơ mai một bởi tác động của sản xuất công nghiệp; các sản phẩm gia dụng hiện đại đang dần thay thế gốm truyền thống. Sự dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi ngành nghề đã làm cho giới trẻ không còn mặn mà với nghề gốm truyền thống nữa. Vì vậy, năm 2018 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” (đại diện cho kỹ thuật làm gốm của người Chăm tại làng gốm Bàu Trúc - Ninh Thuận và làng gốm Bình Đức - Bình Thuận) trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp./.

Tác giả bài viết: Phòng Quản lý di sản văn hóa Phi vật thể