SƯU TẬP SÚNG THẦN CÔNG Ở BẢO TÀNG BÌNH THUẬN

Sưu tập súng thần công
         Súng thần công là loại vũ khí đánh xa, ra đời vào khoảng thế kỷ XIV ở Châu Âu, tiền thân là loại máy bắn đá thời thượng cổ; súng có kích thước lớn, trọng lượng nặng, được đúc bằng đồng, sắt hoặc gang. Đạn súng là những quả cầu bằng gang, sắt được bắn ra bởi sức đẩy bên trong của súng. Trong quân sự, súng thần công được coi là vũ khí nóng (hỏa khí) dùng sức mạnh của thuốc nổ để công phá rất mạnh so với các loại vũ khí sử dụng cơ bắp.

         Súng có hình trụ, được chia làm 3 phần, gồm nòng súng, bầu và chuôi súng có kích cỡ khác nhau. Một số súng được cấu tạo thành nhiều khoang với các gờ nổi nhỏ không đều nhau bao quanh thân. Bầu súng có tai trống đặt tiết diện tròn đối xứng với nhau, gọi là trục quay và đỡ súng khi đặt trên bệ. Sát phần đuôi có một lổ nhỏ hình tròn, đây là chỗ tiếp lửa để kích nổ.

         Từ năm 1975 - nay, Bảo tàng Bình Thuận sưu tầm và tiếp nhận được 17 khẩu súng thần công các loại. Súng đa dạng về kiểu dáng, kích thước và chất liệu.
Trong số 17 khẩu (14 súng bằng sắt, 03 súng bằng đồng), phổ biến là súng thần công sản xuất từ thời Nguyễn, thế kỷ thứ XIX và súng do Bồ Đào Nha sản xuất đưa về Việt Nam.

 


 


Sưu tập súng thần công tại Bảo tàng Bình Thuận
 
         Súng được phát hiện và đưa về Bảo tàng từ nhiều xã, huyện trong toàn tỉnh Bình Thuận. Đặc biệt, có bộ phát hiện được 12 khẩu trong quá trình rà phế liệu ở xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận; vì vậy cần được nghiên cứu, làm rõ nguồn gốc lịch sử giai đoạn triều Nguyễn và nhất là giai đoạn Nguyễn Thông khai khẩn lập điền địa tại địa phương này ở thế kỷ XIX.

Riêng 3 khẩu súng bằng đồng, trong đó có 1 khẩu mang tên là Võ công Tướng quân, số thứ tự 265 trên 300 khẩu thần công được phong tên Võ công Tướng quân; súng dài 108cm, đường kính nòng 7,5cm, trên súng có khắc dòng minh văn bằng chữ Hán, tạm dịch: “Minh Mạng tam niên tuế thứ Nhâm Ngọ cát tạo nguyện nhật - Võ Công tướng quân tam bách vị chi nhị lục thập ngũ” (Súng thần công đúc vào ngày tháng tốt năm Minh Mạnh thứ 3 Nhâm Ngọ - 1822, tên súng Võ Công Tướng quân và nặng 268 cân)

 
 
Minh văn trên súng thần công
 
         Bình Thuận là vùng đất mới được hình thành từ năm 1692, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và chống giặc ngoại xâm, các vua triều Nguyễn đã chú trọng tăng cường chế tạo súng thần công và chuyển vào để tự vệ.  Đầu thế kỷ XIX, các vua triều Nguyễn đã chuyển vào Bình Thuận 2 khẩu thần công có chiều dài 137cm, khẩu nòng 22cm và đường kính miệng 95cm; lúc này trấn Thuận Thành, rồi Phủ Bình Thuận đóng trên địa bàn làng Xuân An - Hòa Đa (thị trấn Chợ Lầu huyện Bắc Bình ngày nay) nên 2 khẩu súng thần công được đặt tại đây. Năm 1967, Tỉnh trưởng Bình Thuận mang 2 khẩu súng thần công này về đặt hai bên cửa dinh Tỉnh trưởng và sau ngày giải phóng đã đưa về Bảo tàng Bình Thuận bảo quản để phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày.

          Các khẩu súng bằng đồng được đúc ở thế kỷ thứ XIX, đánh giá sự phát triển kinh tế, chính trị tương đối ổn định, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, đúc đồng phát triển rực rỡ. Ở giai đoạn này, triều đình nhà Nguyễn đã cho đúc hàng vạn khẩu súng bằng đồng, bằng gang và bằng sắt để phân cho các địa phương trong cả nước để bảo vệ chủ quyền và an ninh.

         Sưu tập súng thần công phát hiện tại Bình Thuận trong thời gian qua là nguồn sử liệu quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử trung - cận đại tại tỉnh Bình Thuận. Đây cũng là sưu tập quý giá để nghiên cứu về kỹ thuật đúc súng thần công ở triều Nguyễn, bổ sung thêm vào một bộ sưu tập quý, mang nhiều giá trị về lịch sử, khoa học kỹ thuật, quốc phòng, mỹ thuật… trong công tác trưng bày, giới thiệu đến công chúng của Bảo tàng Bình Thuận.

Tác giả bài viết: Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng