Táng tục mộ chum trong văn hoá Sa Huỳnh tại Bình Thuận

Văn hoá Sa Huỳnh tại tỉnh Bình Thuận lần đầu tiên được phát hiện vào những năm 1923 - 1925 tại khu vực Động Bà Hoè nay thuộc xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc. Bình Thuận là một trong những địa bàn cư trú của người cổ Sa Huỳnh tại vùng đất cực Nam Trung bộ, di tích văn hoá Sa Huỳnh tại đây phân bố rộng khắp trên các động cát, triền cát trải dài dọc ven biển từ huyện Tuy Phong cho đến thị xã La Gi đều có vết tích của nền văn hoá này. Nhưng tập trung nhiều nhất ở hai huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam, với nhiều di tích quy mô bởi tính chất và đặc trưng nổi bật như: di tích động Bà Hoè, di tích động cát thôn 6, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc; di tích động Ngọc Sơn, động cát thôn Thanh Bình, huyện Bắc Bình; di tích Phú Khánh, di tích Phú Sơn, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam…
          Trong quá trình nghiên cứu văn hoá Sa Huỳnh tại vùng cuối cực Nam Trung bộ  thu hút nhiều nhà nghiên cứu chuyên sâu về các đặc trưng tiêu biểu của nền văn hoá này, trong đó có việc tìm hiểu, nghiên cứu về các dạng táng thức của cư dân cổ Sa Huỳnh tại Bình Thuận với nhiều dạng táng tục (phong tục mai táng bằng mộ chum) rất phong phú trong cách thức mai táng, đa dạng về hình dáng của các chum, vò táng, qua đó phản ánh sinh động con người thời kỳ này đã bắt đầu quan tâm đến thế giới của người đã khuất. Táng tục người chết trong các mộ chum, mộ vò được làm từ chất liệu gốm đất nung là một trong những nét đặc trưng nổi bật của văn hoá Sa Huỳnh. Khi nghiên cứu tục mai táng người chết trong các chum vò của người Sa Huỳnh, hiện nay các nhà nghiên cứu cho rằng, người Sa Huỳnh sau khi chết đi được chôn vào trong các chum táng, vò táng với quan niệm: con người sinh ra từ bụng mẹ đến khi chết đi rồi vẫn về với bụng mẹ, bụng mẹ ở đây là sự biểu trưng của các chum táng, vò táng với kích thước lớn, nhỏ khác nhau. Chum táng tại Bình Thuận thường có dạng hình tròn, hình trứng, hình quả bí ngô, xương gốm dày, rất chắc, khác với các tỉnh khác như: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định chum táng thường có dạng hình trụ tròn.

          Qua nhiều đợt thám sát, khai quật tại các di tích tại Bình Thuận đã phát hiện nhiều dạng táng tục khác nhau mà cụ thể là ở các dạng thường gặp sau đây:

          Dạng thứ nhất táng thức theo từng cụm mộ: Đây được xem là hình thức phổ biến nhất trong cách táng thức tại các di tích Sa Huỳnh, loại chum dùng để táng có hình dáng phổ biến của dạng này là chum  tròn như quả bí ngô, cổ thắt, miệng loe, xương gốm mỏng, dễ vỡ.

          Điều đó được thể hiện khá sinh động tại di tích khảo cổ học Động Bà Hoè, hình thức táng theo cụm từ 3 đến 4 mộ đặt gần nhau, ở dạng này thông thường là những chiếc mộ nồi cao từ 20cm - 40cm, cách mặt đất từ 50cm - 90cm,  ngoài ra còn có nhiều mảnh gốm và các loại công cụ lao động như rìu đồng, thuổng sắt, dọi se sợi không nằm trong chum táng mà nằm ngoài các chum táng.
 
Táng thức theo cụm mộ trong văn hóa Sa Huỳnh tại di tích Động Bà Hoè

Táng thức theo cụm mộ trong văn hóa Sa Huỳnh tại di tích Động Bà Hoè

 
          Dạng thứ hai táng thức theo hình thức song táng: Hai chum táng đặt gần nhau,  đây là kiểu táng thức thường gặp hai chiếc mộ nằm sát nhau tạo thành một đường thẳng, thông thường những chiếc chum dùng để song táng gần nhau bao giờ cũng rất to về mặt kích thước, cao từ 50cm - 80cm, xương gốm dày và chắc, kiểu dáng thân và đáy tròn, phần cổ thấp hơi loe (loại có miệng, loại không có miệng). Cụ thể như ở H6, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam khai quật tháng 1 năm 2010 đã phát hiện hai chum song táng rất lớn. Ngoài ra khi khai quật tại di chỉ Phú Sơn (Hàm Mỹ) năm 2008, chúng tôi cũng gặp hình thức song táng kiểu này, điều đặc biệt kiểu táng thức này xung quanh mộ đều có đá kè tấn mộ với mục đích không để mộ bị nghiêng ngã, đỗ vỡ. Có khi bên trong mộ vật tuỳ táng chôn theo là những hòn đá lớn, đặt phía trên mộ và rất nhiều mảnh gốm vỡ, đá cuội, phần thân và đáy mộ chôn theo nhiều loại hiện vật có giá trị như qua đồng, rìu đồng, hạt chuỗi, hạt cườm, khuyên tai, bộ ống đá…
 
Một dạng song táng mộ chum trong văn hoá Sa Huỳnh

Một dạng song táng mộ chum trong văn hoá Sa Huỳnh

 
          Dạng thứ ba táng theo kiểu hai chum úp miệng vào nhau (một trên một dưới):
         Thông thường thì chum táng nằm phía dưới bao giờ cũng nhỏ hơn, nhưng gốm dày, rất chắc chắn và còn nguyên hình dáng so với chiếc chum táng nằm trên, gốm mỏng. Bên trong chum, vò khu vực xung quanh ít có đồ tuỳ táng chôn theo.

 
Hai chum táng úp miệng vào nhau

Hai chum táng úp miệng vào nhau

Dạng thứ tư táng thức đơn lẻ (chỉ duy nhất một mộ): Đây là dạng táng thức khá phổ biến, bao giờ cũng thế những chiếc mộ táng nằm đơn lẻ là những chiếc rất to về kích thước, độ dày của gốm cứng chắc, bên trong mộ bao giờ cũng có đồ tuỳ táng chôn theo, thông thường chôn theo những chiếc rìu đông, qua đồng, đồ trang sức bằng chất liệu thuỷ tinh và một ít xương đã vụn. Năm 2007 tại khu vực động Trũng, xã Hàm Đức, Bảo tàng Bình Thuận phát hiện được duy nhất một chum táng lớn, nằm đơn lẻ và bên trong mộ là một chiếc rìu đồng khá lớn chôn theo. Bên cạnh đó, cũng có những chiếc mộ nhỏ hơn nằm đơn lẻ thông thường là những chiếc mộ nồi, đồ tuỳ táng bên trong đôi lúc có từ 1 đến 2 dọi se chỉ. Đến thời điểm này, đây là một trong những chiếc mộ chum lớn nhất từ trước tới nay ở Bình Thuận với kích thước cao 70cm, đường kính miệng 50cm. Một chi tiết đáng lưu ý cần tìm hiểu khi nghiên cứu về táng tục, đa phần các chum có kích thước lớn đều đục thủng một lỗ ở đáy chum, có chăng việc đục thủng đáy chum nhằm thoát nước mưa giữ cho di cốt và chum táng không bị mục nát theo thời gian.
 
Chum táng đục thủng đáy

Chum táng đục thủng đáy 

Dạng thứ năm táng thức theo kiểu lồng chum táng vào nhau: Đây là dạng táng tục rất đặc biệt, với nhiều chiếc chum táng lồng vào nhau khá ấn tượng, thông thường dạng táng thức này cũng khá phổ biến. Một chiếc chum có kích thước to được lồng vào một chiếc chum kích thước trung bình, chiếc trung bình lại tiếp tục lồng vào một chiếc chum nhỏ, chiếc chum nhỏ lồng tiếp vào một chiếc hũ nhỏ.
 
Một dạng táng thức lồng chum táng vào nhau

Một dạng táng thức lồng chum táng vào nhau

Có thể nói táng tục mộ chum trong văn hoá Sa Huỳnh là một trong những nét đặctrưng nổi bật của nền văn hoá này, trong đó Bình Thuận là một trong những địa phương mà văn hoá Sa Huỳnh phân bố rất đậm nét, trong đó đặc trưng về táng tục được thể hiện rất đa dạng và phong phú, thể hiện được sự phát triển mạnh mẽ của của văn hoá Sa Huỳnh. Bộ sưu tập các chum táng hiện đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu của công chúng.
 

Tác giả bài viết: Võ Cáp