VĂN HÓA SA HUỲNH Ở BÌNH THUẬN

VĂN HÓA SA HUỲNH Ở BÌNH THUẬN
Gian trưng bày văn hoá Sa Huỳnh tại Bảo tàng Bình Thuận
       Văn hóa Sa Huỳnh là một trong những nền văn hóa độc đáo, phát triển rực rỡ trên dải đất miền Trung, có niên đại cách đây khoảng 2500 - 3000 năm cách ngày nay; hiện vật đa dạng, nhiều chủng loại như: mộ chum, đồ trang sức, vũ khí, các vật dụng bằng gốm với các hoa văn độc đáo…. Những dấu vết đầu tiên của văn hóa Sa Huỳnh được biết đến trong báo cáo của M. Vinet in trên tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ năm 1909. Sau đó, một loạt các nhà nghiên cứu: Labarre, Colani, Malleret, Saurin, Fontaine, Soheim… đã có những đóng góp nhất định về nhận thức văn hóa Sa Huỳnh.

      Tại Bình Thuận, văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện vào những năm 1923 - 1925 khi thực dân Pháp mở rộng con đường liên tỉnh chạy qua Động Bà Hòe (đường Quốc lộ 1A đoạn chạy qua địa bàn thôn 5 - xã Hàm Đức hiện nay), đã làm phát lộ rất nhiều mộ chum, bên trong mộ chứa rìu đồng, qua đồng, rìu đá, hạt chuỗi nhiều màu, dọi se chỉ…

      Từ những nguồn tin ban đầu đó đến tai một bác sỹ người Pháp tên là Xan - lé (Dr. Sallet) có hiểu biết về khảo cổ đã đến Động Bà Hoè và cũng là người đầu tiên phát hiện ra di tích khảo cổ học Động Bà Hoè.

 
Di tích khảo cổ học Động Bà Hoè
     
Di tích khảo cổ học Động Bà Hòe

 
       Đến những thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, trong thời gian đang diễn ra cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta, nhiều phát hiện mới về văn hóa Sa Huỳnh do người Mỹ và binh lính quân đội Sài Gòn đồn trú tìm thấy ở địa điểm Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, căn cứ vào những tài liệu rất ít của chế độ cũ để lại, cộng với việc nghiên cứu, sưu tầm tài liệu hiện vật và sự chỉ dẫn của chính quyền và nhân dân địa phương nhiều di tích khảo cổ học đã được phát hiện và nghiên cứu. Đó là các di chỉ Phú Trường, Hồng Liêm, Sa Ra, Ngọc Sơn, Hồng Sơn, Giếng Sen, động Trũng thôn 6, động cát thủy tinh xã Hàm Đức thuộc huyện Hàm Thuận Bắc và động Phú Sơn, Phú Khánh, bưng Bà Thềm thuộc huyện Hàm Thuận Nam… và một số di chỉ ở Phú Quý.

        Theo đó có thể thấy những nét đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh tại Bình Thuận như:
        - Về di tích: Hầu hết các di tích Sa Huỳnh ở Bình Thuận phân bố trải dài theo các triền cát ven biển từ huyện Tuy Phong đến huyện Hàm Tân, tập trung nhiều nhất chủ yếu ở huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam. Loại hình di tích bao gồm mộ táng, mộ táng kết hợp cư trú.
         - Về di vật:
         + Mộ chum: Đặc trưng trước tiên của Sa Huỳnh là dùng chum, vò gốm làm quan tài mai táng, loại hình đa dạng gồm chum hình trứng, cầu, nồi vò úp nhau, chum hình trụ biến thể, vật chôn theo người chết cũng đa dạng: rìu đá, rìu đồng, qua, chuỗi thuỷ tinh, dọi se chỉ… có mộ thì chôn theo ít hoặc không chôn theo gì. Điều này thể hiện sự phân hóa sâu sắc trong xã hội Sa Huỳnh. Hoa văn chủ yếu được tạo ra bởi bàn dập, phủ ngang, dọc từ vai xuống toàn thân và in vỏ sò.

 
 
Hình ảnh mộ chum được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Bình Thuận.
 
       - Vũ khí:
      Bảo tàng Bình Thuận đang trưng bày một bộ sưu tập Qua đồng khá đặc biệt và các giáo đồng thể hiện quyền lực của chủ nhân mộ. Giáo đồng văn hóa Sa Huỳnh tại Bình Thuận về loại hình giống với cả giáo đồng văn hóa Đông Sơn và văn hóa Đồng Nai. Cả Qua đồng và Giáo đồng phần lớn là đồ tuỳ táng, số lượng không nhiều và chưa tìm thấy khuôn đúc những hiện vật này ở Bình Thuận.

 
 
Qua đồng và Giáo đồng được trưng bày tại Bảo tàng Bình Thuận
 
        Ngoài Qua đồng, vật chôn theo thường thấy trong các mộ chum Sa Huỳnh tại Bình Thuận là Rìu đồng. Những Rìu đồng này lưỡi cân đối, mang đậm phong cách rìu đồng của văn hóa Đồng Nai thời sơ kì sắt, chỉ có 1 một cái rìu lưỡi xéo giống phong cách văn hóa Đông Sơn.
  

       - Trang sức:
       Trang sức văn hóa Sa Huỳnh phong phú cả về số lượng lẫn chủng loại gồm hai chất liệu chính: bằng đá, thuỷ tinh.
Tiêu biểu cho trang sức bằng đá là các ống đá có khoan lỗ chưa rõ chức năng. Bên cạnh đó còn phát hiện số vòng đá đeo tay tương đối nhiều, được mài nhẵn bóng, mỏng trông rất tinh tế.

 
 
 
Vòng trang sức đá và ống đá trong văn hoá Sa Huỳnh tại Bình Thuận.

 
       Ngoài vòng đá, ống đá, các di tích Sa Huỳnh tại Bình Thuận còn phát hiện hạt chuỗi bằng đá mã não (agat), hạt chuỗi thuỷ tinh với nhiều màu sắc khác nhau, khuyên tai hai đầu thú bằng thuỷ tinh -  hiện vật độc bản tại Bảo tàng Bình Thuận.
       - Các hiện vật khác:
      Nghề đúc kim loại, se sợi và đánh bắt của cư dân Sa Huỳnh ở Bình Thuận đã được ghi nhận qua một loạt hiện vật: khuôn đúc, dọi se chỉ, chì lưới bằng đất nung. Những hiện vật này được phát hiện chủ yếu trong mộ chum, phần nào đánh giá được thân phận chủ nhân ngôi mộ. Ngoài ra, còn nhiều hiện vật khác như gốm dân dụng, nồi vò, kỹ thuật làm gốm… sẽ đề cập ở những bài viết khác.

 

 
        Như vậy, từ những khái quát sơ lược về di tích cũng như di vật của văn hóa Sa Huỳnh tại Bình Thuận có thể phác họa được bức tranh về đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Sa Huỳnh nơi đây với các hoạt động đi biển, trồng trọt, làm gốm, luyện kim, đồ trang sức...
 

Tác giả bài viết: Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng