Bia đá cổ có niên đại 1304 năm, nặng 1,5 tấn ở Bình Thuận

Gần 2 năm nay, các đợt khai quật khảo cổ đã được Trung tâm khảo cổ học thuộc Viện khoa học xã hội vùng Nam bộ và Bảo tàng Bình Thuận liên tiếp làm phát lộ nhiều phế tích và hiện vật quan trọng, mang lại những hiểu biết mới về một nhóm đền tháp thuộc loại cổ nhất của nghệ thuật Chăm trong khu vực Nam trung bộ, khác với những gì lâu nay chúng ta thấy trên mặt đất.
Chữ Phạn cổ khắc trên bia kí tháp Po Dam
Trước hết là đã làm xuất lộ một phần thân và toàn bộ đế tháp của 2 tháp thuộc nhóm phía Bắc cùng một mảng tường bao bị đổ sụp và đè lên 2 tháp. Cạnh đó là hàng ngàn mảnh ngói cổ có hình thù lạ. Ở một vài hố khai quật để tìm cốt nền của nhóm tháp Nam cũng đã làm phát lộ nhiều hiện vật lạ, đó là bộ bàn nghiền bằng đá và những hiện vật thuộc về lễ hội xưa của người Chăm. Các hố đào khác ở đây làm xuất lộ một phần chân đế của các tháp cổ hướng Nam, đó là phế tích của 2 đế tháp. Cả 2 tháp này đều nằm trước tháp B về hướng Nam, hàng trăm năm nay đã bị sụp đổ và bị vùi lấp không ai biết, trong đó có một tháp có đế dài tới 16,3m và chiều rộng là 6,95m. Trong khi tất cả các tháp Chăm khác ở Bình Thuận cũng như ở miền Trung đa phần đều có hình vuông hoặc gần vuông và khi đa phần các tháp Chămpa cổ có một cửa chính trổ về hướng Đông thì ở đây tháp có 2 cửa, một trổ về hướng Bắc và cửa còn lại trổ về hướng Nam.

Như vậy tất cả các tài liệu nghiên cứu từ trước đến nay, kể cả tài liệu của người Pháp từ đầu thế kỷ XX đều chỉ nói ở nhóm đền tháp Po Dam có 6 tháp, thì sau khi khai quật xong nhóm đền tháp Po Dam có tất cả 8 tháp. Cuộc khai quật cũng đã khai mở toàn bộ vách núi phía đông của dãy núi ông Xiêm, nơi nhóm tháp Po Dam tọa lạc. Sau khi bóc hết toàn bộ các lớp đất đá vùi lấp đã lộ ra chân núi với nhiều dấu vết phá núi để xây tháp của người Chăm xưa. Đây là một kỳ công lớn với biết bao sức người, sức của để phá núi tạo mặt bằng xây tháp. Với chiều dài hơn 50m, chiều rộng từ 2 - 6m, chiều cao gần 3m toàn là đá núi. Khai mở đoạn tường này các nhà khảo cổ còn làm phát lộ nhiều tảng đá lớn để nguyên tại chỗ và xung quanh có nhiều bệ gạch nhỏ. Những nơi này xưa kia có thể là nơi trưng bày và thờ các tượng thần.

Đặc biệt quan trọng là trong đợt này các nhà khoa học còn phát hiện 1 bia ký bằng đá tại chỗ có khắc nhiều chữ Phạn cổ, nặng khoảng 1,5 tấn. Theo bản dịch của các nhà khoa học thì bia đá cổ này được ghi niên đại là năm 710 AD (sau công nguyên, tức đầu thế kỷ thứ VIII). Như vậy tính từ khi có tấm bia này đến nay đã có 1304 năm. Đây là một bằng chứng đầy sức thuyết phục để khẳng định về niên đại tuyệt đối của nhóm đền tháp này (còn sớm hơn cả một số tháp ở thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam) đồng thời đây cũng là bằng chứng để bác bỏ những suy đoán lâu nay của một số nhà nghiên cứu khi cho rằng các nhóm đền tháp Chăm ở Bình Thuận có niên đại muộn hơn so với tháp Chăm ở các tỉnh miền Trung.

Các phế tích mới phát lộ trước hết chứng minh nhóm đền tháp Po Dam là một tổng thể khá qui mô và bề thế. Không chỉ là một tổng thể lớn, các di tích ở đây đã có một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Chăm. Hàng năm, người Chăm ở xã Phú Lạc và các nơi khác về đây cúng tế và thực hiện các lễ nghi, lễ hội. PGS-TS Bùi Chí Hoàng, Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, người chủ trì cuộc khai quật trong hội thảo khoa học tại hiện trường cho biết thêm: “Kết quả cuộc khai quật thành công ngoài ý tưởng của nhận thức ban đầu về nhóm đền tháp này, ngoài các kiến trúc cổ mới phát hiện, thì những hiện vật được tìm thấy rất có ý nghĩa về một nền văn hóa lớn đã qua trong quá khứ, mở ra cách đánh giá, nhìn nhận về lịch sử và kiến trúc của tháp Po Dam”.

Theo Nguyễn Xuân Lý/ Bình Thuận online