CÔNG CỤ LAO ĐỘNG VÀ ĐỒ DÙNG TRONG SINH HOẠT CỦA DÂN TỘC CỜHO Ở BÌNH THUẬN

Người Cờho là một trong số 21 tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme ở Việt Nam, địa bàn cư trú của người Cờho tập trung ở phía Nam Tây Nguyên, đông nhất ở tỉnh Lâm Đồng và phía Tây tỉnh Bình Thuận tiếp giám với Nam Trường Sơn.
Theo số liệu Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận điều tra đến ngày 31/12/2018, người Cờho cư trú ở Bình Thuận có khoảng 15.045 nhân khẩu, khu vực cư trú chủ yếu ở huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tánh Linh, Đức Linh và Hàm Tân. Tập trung nhiều nhất ở xã La Dạ 3.265 người, xã Đông Giang 2.387 người, Đông Tiến 1.077 người (Hàm Thuận Bắc).
Từ những năm 80 của thế kỷ XX trở về trước, dân tộc Cờho ở Bình Thuận sống rải rác thành các buôn làng trên các rẻo núi cao theo lối du canh, du cư. Sau đó, thực hiện chính sách định canh, định cư của Nhà nước, họ được vận động, di dời về sống tập trung ở các địa bàn gần UBND xã có điện thắp sáng, gần đường nhựa, trường học và trạm y tế… rất thuận lợi cho việc sinh hoạt, đi lại và phát triển kinh tế.
Sản xuất truyền thống chủ yếu của người Cờho ở Bình Thuận là trồng trọt. Tùy vào địa hình đất đai mà quyết định trồng lúa nước hay là nương rẫy. Các loại cây thường trồng là lúa, bầu, bí, ngô, sắn, lúa, bông, mía, thuốc lá … với địa hình đặc trưng cùng với truyền thống sản xuất, họ có những nông cụ, đồ dùng trong mang nét đặc trưng riêng mình.
Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận hiện đang lưu giữ, trưng bày nhiều hiện vật là những nông cụ, vật dụng (dụng cụ, đồ dùng) để sản xuất nông nghiệp theo phương pháp thủ công, truyền thống, đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Các nông cụ được hình thành từ xa xưa và không ngừng được cải tiến cho phù hợp với điệu kiện tự nhiên từng vùng, từng thời kỳ.
Nông cụ sản xuất nông nghiệp:



            Khung cán bông, xa quay sợi: Theo truyền thống của người Cờho, phụ nữ phải lo cái mặc cho cả gia đình, bởi vậy các bé gái Cờho từ nhỏ đã được các bà, các mẹ dạy dệt vải, may trang phục nên đa số phụ nữ Cờho đều biết dệt vải và nghề dệt thổ cẩm, tự may trang phục cho gia đình và cũng là một trong những tiêu chí mà những người đàn ông Cờho đặt ra mỗi khi chọn vợ. Vật liệu để dệt vải người Cờho tự trồng bông thu hoạch phơi khô rồi dùng bộ khung cán bông cho tơi ra, dùng xa quay sợi để quay thành các cuộn chỉ, sau đó nhuộm màu và đưa vào khung dệt, cho ra những tấm vải khăn, chăn, áo có hoa văn
dạng hình thoi, hình tam giác kết nối nhau tạo thành những đường viền nhìn rất đơn giản, tinh tế, đẹp. Người Cờho không chỉ biết trồng bông, kéo sợi dệt vải mà họ tự làm ra các dụng cụ phục vụ cho làm nương rẫy, đan lát.
Chà gạc: Là dụng cụ để chặt cây làm nhà, phát rẫy và để tự vệ bản thân khi đối với các loại thú dữ. Cán chà gạc được làm bằng gốc tre già, kề gốc, chỗ tra lưỡi được uốn cong khá công phu, lưỡi được tôi luyện, rèn rất chắc chắn và sắc.
Dao vót nan: Để tạo ra những nan tre như ý, to nhỏ, dày mỏng và độ trơn tru thì người Cờho trang bị cho mình chiếc dao vót nan lưỡi nhỏ, rất sắc bén. Đối với công cụ sản xuất nông nghiệp lúa rẫy của người Cờho rất đơn giản và thô sơ, ngoài chiếc chà gạc để phát rẩy, khi trỉa hạt người ta sử dụng một cây vót nhọn để chọc lỗ tra hạt.
Gậy chọc lỗ: Sau khi phát, dọn, đốt rẫy xong, đợi những cơn mưa đầu mùa vào tháng 5, báo hiệu mùa gieo trồng. Việc gieo trồng là gieo trỉa tức là chọc lỗ bỏ hạt. Công cụ chọc lỗ là cây gỗ vót nhọn vào giữa hoặc cây tre cao 1,8 - 2m, vát nhọn kiểu móng lợn hay bọc đầu nhọn bằng kim loại như hình bên. Khi lên rẫy vào rừng dụng cụ chính của người Cờho luôn mang bên người là chiếc gùi và cái chà gạc, đồ mang theo là sà ví đựng cơm, bầu đựng nước.
Đồ dùng trong sinh hoạt



Gùi: Người Cờho rất khéo tay, chịu khó ngoài nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nghề đan lát truyền thống của người Cờho vào những thời gian nông nhàn, họ tạo ra những chiếc gùi rất chắc chắn, có tính thẩm mỹ cao. Có nhiều loại gùi khác nhau, gùi cao to chắc khỏe dùng để đựng lúa mẹ, gùi đan thưa đơn giản dùng để hái củi, đựng bầu bí, bắp…
Sà ví: Sống chủ yếu dựa vào tự nhiên làm rẫy, răn bắn, hái măng... phải đi rất xa nhà, Vì vậy, để chuẩn bị đồ ăn đủ trong ngày hoặc ngày mai, người Cờho đã đan những chiếc Sà ví dùng để dựng cơm, đựng đồ ăn. Nguyên liệu để đan những chiếc sà ví là những cây lá dứa phơi khô, rất mềm. Đặc điểm sà ví giữ đựng cơm ngon, giữ nhiệt lâu, cơm ít bị hư ôi, thiu.
            Bộ cối giã: Các hộ gia đình người Cờ ho bao giờ cũng có cái cối giã, có gia đình có 02 cái, trong đó 01 cái lớn dùng đễ giã lúa, bắp, khoai, hạt cây rừng, 01 cái cối giã nhỏ phục vụ trong bếp núc dùng để giã lá cây làm thuốc, đâm gia vị hành, tỏi, ớt… Khi chọn cây để làm cối người Cờho chọn những cây gỗ to, chắc khỏe, có lõi, độ bền cao như (cây lộc vừng). Việc đẽo, đục cối đòi hỏi người đàn ông có sức khỏe, kinh nghiệm và khéo tay làm. Để hoàn thành cái cối phải mất nhiều công đoạn, thời gian.
Hũ gốm: Người Cờho không chỉ giỏi đan lát, dệt vải mà họ còn khéo tay làm gốm truyền thống, nghề làm gốm được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Với bàn tay khéo léo của mình họ đã tạo ra những chiếc nồi đất dùng để nấu cơm, nấu canh, đựng nước… Bên cạnh đó, người Cờho cũng sáng tạo ra những chiếc vá múc canh làm bằng tre rất chắc chắn, hữu ích.
Bầu đựng nước: Đây là đồ dùng phổ biến của người Cờho, bầu đượng nước có đặc điểm đựng nước uống rất mát, có mùi thơm. Trái bầu không dùng để đựng nược, họ còn tạo ra những chiếu kèn bầu rất đẹp, thổi tiếng rất hay. Đây được xem là bộ nhạc cụ đặc thù không thể thiếu trong các lễ hội của người Cờho. Ngoài ra trái bầu có thể làm giỏ đựng cá, gáo mức nước… rất hữu ích. Để có những bình đựng nước đẹp, cái kèn đẹp người Cờho chọn loại bầu hồ lô, có dáng eo thon đẹp. Bầu được trồng trong vườn, để tự khô trên cây, rồi cắt xuống, khoét lỗ ở đầu cuống, sau đó ngâm nước cho tan ruột bên trong, súc sạch ruột và đựng nước.
Dụng cụ đánh bắt, săn bắn:



Ná: Sống trong rừng, cạnh rừng nên trước đây việc khai thác nguồn lợi từ rừng rất phát triển đặc biệt là săn bắn. Họ săn bắn theo nhóm hoặc cá nhân, thường là cá nhân nhiều hơn. Dụng cụ săn bắn là ná và mũi tên. Mũi tên có hai loại: tẩm độc và tên thường. Loại tẩm độc để bắn thú lớn như hươu, nai, lợn rừng…. Tên thường bắn các loại thú nhỏ như thỏ, sóc, gà rừng…
Nơm bắt cá: dùng nơm cá ở các vùng nước lặng, nước sâu khoảng 1m, không chảy xiết có nền bằng phẳng.
Lợp:  dùng có thể đơm cá ở các vùng nươc chảy xiết đầu mùa mưa, cá theo dòng nước lên để đẻ trứng, hoặc đơm ở vùng nước lặng không chảy thì phải bỏ thức ăn cho cá nghe mùi thơm chui vào.
Hiện nay, do tác động kinh tế thị trường các nghề thủ công đan lát, dệt, rèn công cụ chỉ còn ở một số vùng sâu, vùng xa, dần bị mai một bởi do nguồn nguyên liệu khan hiếm, một phần thế hệ trẻ không đam mê, mặn mà học hỏi nghề truyền thống của cha ông truyền lại, hơn nữa sản phẩm công nghiệp giá rẻ, đẹp bền, dần thay thế các sản phẩm thủ công truyền thống. Vì vậy, việc gìn giữ các nghề thủ công sản xuất truyền thống cần phải có tính toán quy hoạch theo vùng, có nguồn nguyên liệu và đầu ra sản phẩm để nuôi sống những người thợ thủ công.
Du khách đến tham quan tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận sẻ tận mắt chiểm ngưỡng, trải nghiệm được vẻ đẹp mang đặc thù về nông cụ sản xuất, đồ dùng trong sinh hoạt của người Cờho ở Bình Thuận./.



Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hồng Oanh – Hoàng Văn Đàn.