Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Bình An xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong

Đình Bình An tọa lạc tại thôn Bình An, xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Di tích nằm cách UBND xã Bình Thạnh khoảng 600m và cách trung tâm huyện Tuy Phong 8km về hướng Nam. Đình Bình An được tạo lập vào năm Canh Thìn (1700) để thờ Thành hoàng Bổn cảnh, các bậc Tiền hiền, Hậu hiền và những người có công trong việc lập làng và dựng đình ngày trước.
Tổng thể kiến trúc Đình Bình An
          Quần thể kiến trúc đình Bình An tọa lạc trên một vị thế cao ráo thoáng đãng trong một khuôn viên rộng khoảng 1.400m2. Từ di tích nhìn về phía Đông là những đồi cát vàng nhấp nhô nối tiếp tựa như những dải lụa mềm mại cao hẳn so với nóc đình. Về phía Tây và Nam là đại dương mênh mông phủ sóng, dọc theo bờ biển là những bãi đá đen bóng được sóng biển “gọt dũa” thành nhiều hình thù trông lạ mắt. Địa linh nơi đây có dáng tựa “Phượng Hoàng ẩm thủy” (chim phượng hoàng uống nước), thật là một bức tranh Sơn - Thủy - Thạch trữ tình ấm áp hương quê vùng duyên hải.
 
          Đình Bình An là di tích có niên đại sớm nhất trong số các đình làng ở Bình Thuận với nhiều giá trị nổi bật trên các mặt lịch sử, văn hóa và kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu cho loại hình kiến trúc nghệ thuật dân gian thế kỷ XVIII - XIX ở Bình Thuận. Trong tổng thể chung, các công trình kiến trúc chính của đình gồm 3 nóc: đình Chính, đình Trung và Bái đình được bố trí ở trung tâm giữa khuôn viên theo bình đồ dạng chữ Tam (≡). Bên cạnh đó còn có các công trình kiến trúc phụ trợ khác như: Thông linh quan (cổng chính); Hằng thái môn (cổng bên hữu), Hàm tụy môn trổ về bên tả, nhà Tiền hiền, Nhà thờ Binh sỹ, Nhà thờ ông Đoàn Xuân Thao (người giàu có và đức độ ở trong làng), nhà Khánh y và nhà Nhóm.
 

Kết cấu bộ khung gỗ tại Đình 

          Trải qua hơn 300 năm tồn tại kể từ lần đại tu từ năm Minh Mạng thứ 13 (1832), đến nay các công trình kiến trúc chính của di tích được bảo tồn nguyên vẹn. Mặc dù chịu nhiều tác động của thời gian, mưa bão, môi trường thẩm thấu, sự phong hóa và bào mòn của hơi mặn nước biển và bom đạn của hai cuộc chiến tranh tàn khốc hủy hoại; nhưng di tích vẫn còn đứng vững chắc bởi kỹ thuật kiến trúc xây dựng đầy sáng tạo và công phu của ông cha ngày trước.

          Bên cạnh những giá trị kiến trúc nghệ thuật vô giá, nội thất các hạng mục kiến trúc của di tích còn lưu giữ khá nhiều di vật, đồ tế khí được tạo tác hoàn chỉnh và hầu hết đều có niên đại từ thế kỷ XVIII - XIX như: Tấm bia đá được lập năm Minh Mạng thứ 13 (1832), 5 Sắc phong các vua Triều Nguyễn ban tặng cho các vị Thần thờ cúng tại đình, 2 Đại hồng chung được vua Gia Long ban tặng, 2 pho tượng Quan Thánh đế quân bằng gỗ trầm hương và còn nhiều hiện vật quý khác như: khám thờ, hương án, tràng kỷ, hoành phi, liễn, đối, một số hiện vật bằng sành, sứ, vải…

          Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, đình Bình An được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia tại Quyết định số 1460/QĐ/VH ngày 28 tháng 6 năm 1996.

           Ngày nay, trải qua hơn 300 năm tồn tại đình Bình An vẫn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng không thể thiếu của cộng đồng cư dân vùng biển nơi đây. Hàng năm tại di tích diễn ra 2 kỳ lễ hội chính: tế Xuân và tế Thu vào tháng hai và tháng tám âm lịch, gắn liền với đó là các hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian khác như: hát bội, múa lân, múa liễn… Lễ hội diễn ra hàng năm là không gian để người dân gửi gắm niềm tin, đề đạt khát vọng lên các vị thần linh về một cuộc sống sung túc và bình an. Đây cũng là dịp để các cá nhân trong cộng đồng giao lưu kết nối tình thân ái, vui chơi nghỉ ngơi sau những ngày lao động mệt nhọc; là nơi giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương đất nước và trao truyền các bí quyết thực hành lễ hội đối với thế hệ trẻ.

 


Người dân đến dâng hương, lễ bái

          Những năm gần đây, hệ thống cụm di tích ở xã Bình Thạnh như: Chùa Cổ Thạch, đình làng Bình An, lăng Ông Nam Hải, miếu Bà, bãi đá 7 màu… luôn là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và người nước đến tham quan, bái tế, nghỉ dưỡng. Trong đó, đình làng Bình An được du khách biết đến ngày càng nhiều thông qua mô hình du lịch tâm linh, kết hợp nghỉ dưỡng, trải nghiệm sinh hoạt thực tế và ăn ngủ tại di tích; đặc biệt, Ban Quản lý các di tích sẽ lo phần nấu nướng ăn uống cho du khách với các loại hải đặc sản tại địa phương và điều này làm cho du khách càng thích thú tìm đến các điểm di tích này ngày một tăng dần. Trong năm 2017, toàn cụm di tích này đã đón gần 400.000 lượt khách đến tham quan và bái lễ.

Tác giả bài viết: Phòng Bảo tồn và Quản lý di tích