GÙI TRONG ĐỜI SỐNG VÀ VĂN HÓA CỦA NGƯỜI CỜHO TỈNH BÌNH THUẬN

Gùi sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày
         Người Cờho là một trong số 21 tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme ở Việt Nam, địa bàn cư trú của người Cờho tập trung ở phía Nam Tây Nguyên, đông nhất ở tỉnh Lâm Đồng và phía Tây tỉnh Bình Thuận tiếp giám với Nam Trường Sơn.

         Người Cờho ở Bình Thuận hiện nay có khoảng 12.684 người, họ cư trú lâu đời trên các vùng núi cao hẻo lánh của các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh. Do địa bàn và môi trường sinh sống tác động nên người Cờho chia thành nhiều nhóm địa phương như: Cờho Srê, Cờho Chil, Cờho Nộp, Cờho Lạt, Cờho String và Cờho Cờ Dòn. Kinh tế truyền thống của người Cờho chủ yếu sản xuất nông nghiệp trồng lúa Mẹ và các loại hoa màu trên nương rẫy, chính đặc trưng đó mà các nghề thủ công truyền thống hình thành rất sớm, mang tính chất tự cung, tự cấp và phát triển lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.

         Trong các nghề thủ công truyền thống của người Cờho, nghề đan gùi khá phát triển; các kỹ năng, kỹ thuật trong quá trình hoàn thiện sản phẩm, từ cách chọn vật liệu khai thác đến kỹ thuật làm nan, kỹ thuật đan cài… đều được thế hệ trước truyền lại một cách cụ thể cho thế hệ sau qua phương pháp truyền nghề trực tiếp. Trong xã hội của người Cờho trước đây, nghề đan gùi, làm nhà sàn một trong những tiêu chí, thước đo của người đàn ông khi được gia đình các cô gái chọn để bắt rể; chính vì vậy mà nghề đan gùi được người đàn ông học nghề từ nhỏ và thực hiện rất thành thạo khi đến tuổi trưởng thành.

        Gùi của người Cờho có nhiều loại, nhiều kích cỡ và cách đan khác nhau; tuỳ theo mục đích sử dụng trong các hoạt động mà đan cho phù hợp như: gùi bắp, khoai mì... thì đan những loại gùi lớn thân gùi được đan thưa; còn nếu gùi gạo, muối và những vật dụng nhỏ nhẹ thì đồng bào đan những loại gùi nhỏ thân gùi phải đan kín (khít).

         Gùi được cấu tạo bằng các loại: tre lồ ô (lấy phần vỏ cứng bên ngoài của cây lồ ô), dây mây và thân cây cóc rừng. Mỗi cái gùi đều có 3 phần chính: chân gùi được làm từ thân cây cóc rừng, chẻ một phần bản rộng khoảng 10cm và vót với độ mỏng từ 1 - 2cm sau đó uốn thành hình ngôi sao bốn cánh được đục lỗ để (mỗi cạnh được đục 6 lỗ) luồn dây gắn vào đáy gùi tạo thế cân bằng. Thân gùi được đan bằng phần vỏ cứng bên ngoài của cây tre lồ ô được chẻ thành các nan và vót đều nhau. Miệng gùi được đan cài bằng những sợi nan mây vót nhỏ. Dây đeo của gùi cũng đan bằng sợi mây vót nhỏ, hình dẹp đầu dây bản rộng khoảng 2 - 3cm càng về cuối dây được thu nhỏ dần, dây đeo được gắn với gùi bằng hai đầu trên và dưới. Để chiếc gùi được chắc chắn hơn người đan dùng dây mây bện lại rồi buộc theo chiều ngang và chiều dọc của chiếc gùi giúp cho gùi được cứng cáp, không bị lệch khi mang nặng. Thông thường gùi được đan từ dưới đáy lên trên miệng gùi theo hình chữ V, đế nhỏ và miệng to. Chiếc gùi được đan xong thường để trên gác bếp hơ khói lâu ngày tạo thành màu vàng óng để chiếc gùi bền và đẹp hơn.

 


 
        Có thể nói, đối với cuộc sống của đồng bào Cờho chiếc gùi có ý nghĩa vô cùng quan trọng; gùi có nhiều công dụng khác nhau trong sản xuất, sinh hoạt của người Cờho như đựng thức ăn, công cụ lao động và đồ dùng cá nhân cần thiết khi vào rừng, lên rẫy, lúc đi thăm hỏi họ hàng và khi tham dự các nghi lễ quan trọng của đời người như đám cưới và tang ma; khi vận chuyển các loại giống cây trồng như: lúa, bắp, trầu không, cau… từ nhà tới rẫy; cũng như khi thu hoạch đưa lúa, bắp… từ rẫy về nhà; khi mang hàng hóa, nông sản từ nhà tới chợ bán hay đưa mang hàng từ chợ về nhà cũng dùng chiếc gùi. Ngoài ra, gùi còn là một tác phẩm nghệ thuật sử dụng phục vụ trong ngày lễ hội trang trí thêm vẻ đẹp duyên dáng cho những cô gái Cờho thực hiện các vũ điệu múa truyền thống. Trong quãng đời của người Cờho, từ lúc sinh ra cho đến chết đều gắn kết với những chiếc gùi.
 

          Nghề đan gùi của người Cờho hiện nay vẫn còn lưu truyền phổ biến mà đa phần từ lớp trung niên đến người lớn tuổi ai ai cũng biết đan, ngày nay trên thị trường có nhiều mặt hàng phục vụ hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động của người Cờho, nhưng chiếc gùi vẫn giữ vai trò quan trọng trong sinh hoạt và sản xuất của họ. Đến nay, gùi vẫn mãi là hình ảnh phản ánh cuộc sống, văn hóa của người Cờho nói riêng và các dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi nói chung.

         Nhằm phục vụ công tác trưng bày, giới thiệu đặc trưng văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số trong tỉnh nói chung và người Cờho nói riêng. Từ sau năm 1975 đến nay, Bảo tàng Bình Thuận đã tiến hành sưu tầm nhiều loại gùi với các kích cỡ, công dụng khác nhau của cộng đồng người Cờho sinh sống ở các địa phương trong tỉnh. So với các tộc người Chăm, Raglai, Chơro… sưu tập gùi của người Cờho hiện có trong kho Bảo tàng khá phong phú và mang đặc trưng riêng của từng nhóm người Cờho./.

Tác giả bài viết: Phòng Quản lý di sản văn hóa Phi Vật thể