LỄ HỘI CẦU NGƯ TẠI VẠN LIÊN HƯƠNG (Thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong)

Lễ hội cầu ngư tại Vạn Liên Hương
            Theo gia phả tộc họ Nguyễn (ông Nguyễn Trung Trà ở xóm Rau) ở thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong thì dòng họ Nguyễn Nê là người Điện Bàn thuộc tỉnh Quảng Nam đã có công khai khẩn hoang lập làng Long Hương vào khoảng thời gian từ năm 1692-1697. Nay còn bài vị thờ tiên chỉ Nguyễn Nê tại đình làng Long Hương. Cư dân làng Long Hương đầu tiên đến định cư ở vùng Cồn Mắm ven biển và ven cửa sông Lòng Sông. Vạn Liên Hương được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX, đến năm 1920 được xây dựng mới khang trang và bề thế hơn. Sau năm 1945, do điều kiện chiến tranh nên ngôi vạn dời từ xóm Cồn Mắm về vị trí hiện nay. Tổng thể các hạng mục kiến trúc vạn Liên Hương hiện nay bao gồm: Cổng chính, Võ ca, Chính điện, gian thờ Tiền hiền, Tiền vãng và Khu an táng xác cá Ông. Tại vạn Liên Hương còn lưu giữ 4 sắc phong do vua Khải Định năm thứ 9 (1924) phong tặng cho thần Nam Hải làng Long Hương vào ngày 25 tháng 7.

           Lễ hội Cầu ngư chính mùa tại vạn Liên Hương diễn ra vào ngày 16 tháng 5 âm lịch hàng năm. Trước đây, cứ 3 năm thì tiến hành đại lễ, rước phường hát bội về hát 3 ngày 3 đêm để tỏ rõ nghĩa nhân, thoả mãn nhu cầu sinh hoạt, thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng. Sau lễ hội, người dân tin rằng từng đoàn thuyền đánh cá ra khơi sẽ đưa về đất liền nhiều tôm cá và đời sống của ngư dân sẽ no ấm.
      
           Trình tự lễ hội Cầu ngư ở vạn Liên Hương gồm có các nghi lễ sau:

          - Lễ nghinh thỉnh Ông sanh: diễn ra vào lúc 15 giờ ngày 15/5.
  
 
                                                                                                   
Nghi lễ nghinh Ông sanh ngoài bờ biển

          Trong nghi lễ này, tổ chức đoàn rước gồm: cờ lễ, chiêng, trống, kiệu lễ, đội chèo bả trạo, ban tế lễ, hội vạn và đông đảo ngư dân địa phương đi bộ dọc theo bờ biển trước vạn về hướng Nam khi nào nhìn trước mặt ngoài biển khơi hết ghe thuyền neo đậu thì đoàn lễ dừng lại đặt kiệu lễ tiến hành nghi thức thỉnh rước Ông sanh về vạn. Khi đoàn lễ dừng lại nơi bờ biển bằng phẳng, kiệu lễ đặt hướng ra biển khơi, chiêng, trống đứng hai bên kiệu lễ, đội chèo Bả trạo đứng thành 3 hàng trước kiệu lễ. Sau một hồi chiêng, trống xen kẻ nổi lên, ông Chánh bái, Bồi bái lên hương đèn khấn bái và quỳ lại trước kiệu lễ. Sau khi khấn bái xong, tiến hành đốt giấy vàng mã và Chánh bái ra biển lấy một ít nước đựng trong một cái chén đặt trên kiệu lễ. Sau đó, đội chèo bả trạo tiến hành diễn xướng bổn chèo nghinh thỉnh Ông Sanh để thỉnh mừng thần Ham Hải về vạn chứng giám lễ hội Cầu ngư của ngư dân.

          Về đến vạn, kiệu lễ đặt ở Võ ca trước Chính điện, ông Chánh bái bưng lư hương và chén nước biển trên kiệu lễ vào đặt trên hương án trước khám thờ thần Nam Hải ở trong Chính điện đốt đèn, dâng hương thỉnh mời thần Nam Hải và các vị hải thần an vị chứng giám lễ hội Cầu ngư, phù trợ cho ngư dân có cuộc sống no ấm và bình an.

          Khi Chánh bái, Bồi bái mời các vị hải thần an vị xong, bên ngoài Võ ca chiêng trống nổi lên liên hồi xen kẽ nhau và đội chèo Bả trạo diễn xướng một số bổn chèo để mừng thần Nam hải và cá vị hải thần an vị trong vạn. Chèo bả trạo diễn xướng thể hiện nhiều điệu bộ với các thức di chuyển đội thay đổi liên tục theo hàng hai, hàng một, hàng tư, hình xoắn ốc, hàng tư lộn ngược vòng… kết hợp động tác đứng nhún người, khua mái chèo và quỳ hầu theo sự điều khiển nhịp của Tổng mũi và diễn xướng hát nội dung bổn chèo của Tổng lái, kết hợp với đồng hát hò của cả đội chèo đã làm cho không khí của nghi thức lễ nghinh thỉnh Ông Sanh thêm phần rộn ràng, sinh động và làm giảm bớt sự căng thẳng trong một cuộc tế lễ. Đội chèo bả trạo diễn xướng từ 2 - 3 bổn chèo, trong khoảng thời gian gần 1 giờ đồng hồ là kết thúc nghi lễ nghi thỉnh Ông Sanh về vạn.

          - Lễ cúng Tiền hiền và các vị hương linh: diễn ra từ 8 - 9 giờ ngày 16/5.

          Theo quan niệm trong văn hóa dân gian của người Việt, các nghi thức cúng tế trong đình, lăng vạn, đền miếu… trước khi vào Chánh lễ tế thần linh thì phải thực hiện nghi thức cúng tế các vị Tiền hiền. Ở vạn Liên Hương trong lễ hội Cầu ngư cũng không ngoài tập tục đó, trước khi thực hiện Chánh lễ tế thần ở Chính điện phải thực hiện nghi thức cúng tế Tiền hiền và các vị hương linh ở gian thờ Tiền hiền. Đây là nghi lễ nhằm để thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” theo truyền thống trong văn hóa ứng xử của cha ông ta đó là ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân đã công quy tụ dân cư hình thành xóm làng và xây dựng ngôi vạn thờ cúng cá Ông đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của ngư dân. Lễ vật dâng cúng gồm: đầu thủ dĩ heo (heo đực) và vịt luộc. Trong thời gian Chánh tế thực hiện nghi thức dâng hương, trà, rượu cúng tế thì đội chèo Bả trạo đứng hai hàng để hầu lễ chứ không diễn xướng như trong lễ nghinh thỉnh Ông Sanh.

          - Chánh lễ tế thần: diễn ra từ 11 - 12 giờ ngày 16/5.

 


Nghi thức Chánh lễ tế thần 
 
          Chánh lễ tế thần là nghi thức quan trọng nhất trong hệ thống các nghi lễ của lễ hội Cầu ngư. Đây chính là thời khắc linh thiêng để ngư dân bày tỏ lòng biết ơn, đề đạt ước vọng được mùa, bình an, no ấm lên các vị hải thần và thần Nam Hải. Ngoài các lễ vật hoa, quả, bánh ngọt chưng trên các khám thờ, heo sống trong lễ cáo yết sao khi làm sạch sẽ để sống nguyên con mang vào đặt trên khám thờ thần Nam Hải trong Chính điện. Thực hiện nghi lễ gồm có Chánh bái, Bồi bái, Đông hiến, Tây hiến, Học trò lễ, Xướng lễ trong trang phục truyền thống áo dài khăn đóng; nhạc lễ gồm đại hồng chung, trống sấm, trống tiểu, chiêng. Trình tự các bước trong nghi thức tế lễ được thực hiện theo một quy trình ngặt theo phần xướng lễ như kịch bản có sẵn được trao truyền từ trước đến nay.

          Trong Chánh lễ tế thần có nghi thức xem vẻ bằng chân gà bằng hình thức sau khi được luộc chín lấy cặp chân ngâm vào trong rượu một thời gian lấy chân gà ngâm trong nước sôi, sau đó vớt ra xem chân gà để đón mùa vụ biển trong năm của ngư dân trong làng. Nếu chân gà có 3 móng chụm lại là điềm tốt, dự báo mùa vụ đánh bắt hải sản trong năm sẽ đạt mùa; còn ngược lại nếu 3 móng không chụm lại, dự báo mùa vụ trong năm sẽ thất bại… Ngoài ra còn xem cựa, xem vẩy để đón biết tháng nào trong năm làm ăn được mùa biển nhất. Khi có kết quả xem chân gà, các vị cao niên ngồi quay quần bên nhau để bàn bạc những điềm tốt xấu trong năm của làng. Sau khi xem chân gà xong là diễn xướng chèo Bả trạo để hầu và mừng Chánh lễ tế thần thành công, thời gian diễn ra khoảng 1 giờ.

 

Hát bội trong Lễ hội cầu ngư

 


Người dân xem hát bội tại nhà võ ca
 
          Lễ khai diên hát Bội diễn ra vào lúc 13 giờ 30 phút vào ngày 16/5. Hát Bội thường diễn ra trong thời gian 3 ngày đêm, đoàn hát Bội thường được mời từ các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa và Ninh Thuận về phục vụ nhân dân thưởng thức loại hình diễn xướng nghệ thuật đã ăn sâu vào tâm thức của họ từ bao đời nay. Sau khi kết thúc hát Bội, Ban quản lý vạn kết hộp với đoàn hát Bội làm lễ Tôn vương. Sau khi làm lễ Tôn vương xong, 7 giờ sáng hôm sau vạn tổ chức đoàn lễ thỉnh rước Ông Sanh trở về biển kết thúc lễ hội Cầu ngư chính mùa./.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Chí Phú