Rija Nưgâr - Lễ tống ôn đầu năm của người Chăm

Thầy Ka-in múa dập lửa

Thầy Ka-in múa dập lửa

Cứ vào đầu tháng 1 Chăm lịch (nhằm tháng 4 Dương lịch) đến hết thượng tuần trăng của tháng, khắp các làng Chăm rộn ràng chuẩn bị cho nghi thức lễ Tống ôn đầu năm. Năm 2020, Rija Nâgar tại các làng Chăm trong tỉnh Bình Thuận sẽ diễn ra bắt đầu từ ngày 22/4 đến ngày 06/5/2020.
Lễ Rija Nâgar, theo cách gọi tắt của người Chăm là Jagar, Rija có nghĩa là lễ múa, Nâgar có nghĩa là vùng, miền, làng. Theo dân gian còn gọi là lễ Tống ôn đầu năm. Lễ Rija Nâgar là một hệ thống lễ nghi tín ngưỡng dân gian gắn liền với cộng đồng người Chăm từ lâu đời và đã trở thành một lễ hội dân gian trong đời sống tâm linh, tinh thần được nhiều làng palei Chăm lưu giữ cho đến ngày nay.
Rija Nâgar là lễ chung của cả một cộng đồng người Chăm (bao gồm cả Chăm đạo Bàlamôn và Chăm đạo Bàni). Là một lễ nghi rất quan trọng, liên quan mật thiết đến đời sống tín ngưỡng của người Chăm để tống khứ đi những điều xui xẻo của năm cũ và cầu mong mọi sự tốt lành trong năm mới, chuẩn bị mở đầu cho việc đồng án, cầu mong một mùa bội thu. Do đó, hàng năm Theo truyền thống lễ Rija Nâgar được tổ chức trong hai ngày “một ngày vào và một ngày ra” (vào ngày thứ năm ra ngày thứ sáu).
Ngày nay, lễ Rija Nâgar cũng tổ chức trong hai ngày, nhưng không nhất thiết phải nhằm ngày thứ năm và ngày thứ sáu như trước đây, mà được tổ chức trong tất cả các ngày trong tuần. Theo thầy vỗ Nguyễn Hữu Môn, thôn Bình Minh, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình giải thích: “ngày nay, số lượng thầy Vỗ và thầy Bóng ở khu vực huyện Bắc Bình không nhiều. Do đó, nếu tất cả các làng đều tổ chức lễ Rija Nâgar vào hai ngày thứ năm và thứ sáu thì sẽ không kịp thời gian hoàn tất đến hết thượng tuần trăng của tháng”


Thầy Ka-in thực hiện nghi thức thả hình nhân thế mạng
(Thầy Ka-in thực hiện nghi thức thả hình nhân thế mạng)
 
Lễ Rija Nâgar được diễn ra tại một nhà lễ (kajang) ở một bãi đất trống cuối làng. Lễ vật dâng cúng gồm: Dê, Gà, 5 mâm cơm, xôi chè, trầu cau, bánh trái (chuối, bánh ngọt), rượu, trứng, sáp ong… Ngoài ra, trên bàn lễ còn có vật lễ quan trọng là lửa - nước. Thầy cúng chính gồm có: thầy Mâduen (thầy Vỗ), Ông Ka-in (thầy Bóng) mặc áo đỏ múa lễ, đạp lửa, lên đồng phản ánh nguyện vọng của cộng đồng lên thần linh và ngược lại.
Đặc sắc nhất trong lễ hội Rija Nâgar đó là vũ điệu đạp lửa của ông thầy Bóng. Mỗi vị thần mời về dự lễ đều có một điệu múa riêng, một sắc phục và một đạo cụ riêng. Trong hai ngày diễn ra lễ, thầy Bóng ngây ngất trong điệu múa nhập đồng, đến lúc thăng hoa thầy Bóng cầm roi ngựa múa, nhảy phi vào đạp tắt đống lửa đang rực cháy trước rạp lễ trong tiếng reo hò của mọi người. Năm nào thầy Bóng lên đồng dập tắt được đống lửa thì năm đó dân làng tin rằng sẽ tiễn đưa được cái khô hạn, nắng nóng ra đi và đem lại khí trời mát mẻ mưa thuận gió hòa cho dân làng cày cấy.
Kết thúc lễ Rija Nâgar là nghi thức Palaw Saih, tức là nghi thức thả những hình nhân thế mạng làm bằng bột gạo dùng để thay thế, hoán đổi cho dân làng những người còn sống, những gia súc sống để tống khứ đi mọi ô uế, xấu xa của năm cũ và đón nhận những điều tốt lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu trong năm mới./.


Tác giả bài viết: PGĐ - Lư Thái Tuyên