BẢO TÀNG TỈNH BÌNH THUẬN THAM GIA TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ "HỘI NGỘ DI SẢN VĂN HÓA BA MIỀN" TẠI AN GIANG

Ban tổ chức tặng bằng khen các đơn vị, nhà sưu tập phối hợp trưng bày
          Thiết thực chào mừng kỷ niệm 74 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/1945- 23/11/2019); Kỷ niệm 95 năm (1924-2019) ngày phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Đông Sơn; 110 năm (1909-2019) phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Sa Huỳnh; 75 năm (1944 - 2019) phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Óc Eo - Ba Thê.
 
          Từ ngày 22/11/2019 đến ngày 22/02/2020, Bảo tàng An Giang phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cần Thơ, Bảo tàng Đồng Nai, Bảo tàng - Thư viện tỉnh Long An, Bảo tàng Tiền Giang, Bảo tàng Vĩnh Long, Bảo tàng Đồng Tháp, Bảo tàng Kiên Giang và một số nhà sưu tập tư nhân trong và ngoài tỉnh tổ chức trưng bày chuyên đề “Hội ngộ Di sản văn hóa ba miền” tại Bảo tàng An Giang (thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Trưng bày giới thiệu trên 500 tư liệu, hiện vật rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hoá, khoa học và các bộ sưu tập hiện vật độc đáo, tiêu biểu của ba nền văn hóa khảo cổ học ở Việt Nam thời cổ đại gồm: Văn hóa Đông Sơn (miền Bắc), Văn hóa Sa Huỳnh (miền Trung) và Văn hóa Óc Eo (miền Nam). “Mỗi tư liệu, hiện vật tại trưng bày sẽ mang đến cho khách tham quan thông điệp của từng thời đại, thể hiện không chỉ bằng sự phát triển liên tục mà còn có cả trình độ kỹ thuật, nghệ thuật đặc sắc, điêu luyện đặc trưng về đời sống vật chất và tinh thần của người Việt cổ trên lãnh thổ Việt Nam”. 
 
 
                Không gian trưng bày Văn hoá Sa Huỳnh ở Bình Thuận tại triển lãm
 
          Qua đợt triển lãm này Bảo tàng tỉnh Bình Thuận giới thiệu đến công chúng 90 hiện vật là công cụ lao động như: dọi se chỉ, rìu đồng, khuôn đúc rìu, khuôn đúc lưỡi câu, thuổng sắt, dao sắt; Đồ trang sức như: khuyên tai hai đầu thú, ống đá, hạt chuỗi, hạt cườm, vòng đồng; Vũ khí như: qua đồng, mũi tên, mũi giáo…bản đồ phân bố một số di tích văn hoá Sa Huỳnh tại Bình Thuận và 40 tư liệu hình ảnh qua các đợt khai quật khảo cổ. Bình Thuận hiện có 2 di tích văn hoá Sa Huỳnh được xếp hạng di tích cấp Quốc gia, là Di tích khảo cổ Động Bà Hòe (xếp hạng năm 2000), Di tích Động cát thôn 6 xã Hàm Đức (xếp hạng năm 2012) và một số địa điểm, di tích khác như: Động Trũng, Hồng Sơn, Phú Trường, Phú Khánh, Phú Sơn, động cát thôn Thanh Bình… các di tích này vừa mang đặc trưng chung của văn hóa Sa Huỳnh, niên đại cách ngày nay 2500 - 3000 năm. Nhưng cũng có nhiều nét độc đáo mang tính địa phương như: chum táng hình trứng, vò hình cầu có kích thước lớn so với các nơi khác, có chum cao 115cm, đường kính 80cm; Điều đặc biệt chỉ có ở Bình Thuận là phát hiện bộ đàn đá 8 thanh trong di tích thuộc văn hoá Sa Huỳnh. Văn hóa Sa Hùynh nói chung là nền văn hóa thời kỳ Kim khí độc đáo được coi là tiền thân của văn hóa Chăm; Đợt triển lãm là dịp giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong công tác tổ chức, phối hợp trưng bày và giới thiệu di sản văn hoá địa phương giữa các bảo tàng. 
 
 
                 
Trang sức bằng vàng Văn hoá Óc Eo thu hút khách tham quan          
 
 
 
      Tượng nữ thần chất liệu sa thạch Văn hoá Óc Eo
 
 
 
  
              
                  

Tác giả bài viết: Võ Cáp

Nguồn tin: Bảo tàng tỉnh Bình Thuận