LỄ HỘI KATÊ TẠI NHÓM ĐỀN THÁP CHĂM PÔ SAH INƯ

Lễ hội Katê tại nhóm đền tháp Chăm Pô Sah Inư Phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Lễ rước trang phục Bà Pô Sah Inư lên tháp
           Lễ hội Katê được xem là nghi lễ quan trọng trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của gia đình, dòng tộc và cộng đồng người Chăm Bàlamôn ở Bình Thuận. Do hoàn cảnh lịch sử tác động nên lễ hội Katê ở nhóm đền tháp Chăm Pô Sah Inư đã bị lãng quên hơn 2/3 thế kỷ qua. Đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của cộng đồng người Chăm các xã Hàm Phú, Hàm Trí và thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc; được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Bình Thuận; năm 2005 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành nghiên cứu và phục dựng lại lễ hội Katê tại nhóm đền tháp Chăm Pô Sah Inư theo đúng quy trình và tập tục của một lễ hội Katê truyền thống. Từ đó đến nay, hàng năm cứ đến tháng 7 Chăm lịch (tháng 10 Dương lịch) người Chăm Hàm Thuận Bắc lại tổ chức lễ hội Katê tại nhóm đền tháp Chăm  Pô Sah Inư.
         
         Lễ hội Katê diễn ra bao gồm phần lễ và phần hội, trong đó phần lễ được xem là nội dung chính và cốt lõi của lễ hội. Phần lễ do người Chăm huyện Hàm Thuận Bắc trực tiếp điều hành, hành lễ theo đúng nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống. Phần hội với các trò chơi, tiết mục trình diễn, hội diễn với sự tham gia của đông đảo người Chăm các địa phương và du khách tạo nên không khí vui tươi và đoàn kết. Lễ hội được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu và phát huy vốn văn hóa, nghệ thuật truyền thống mang đậm nét đặc trưng của người Chăm đến với nhân dân, du khách góp phần phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

          Năm nay, lễ hội Katê diễn ra từ ngày 19 đến ngày 20 tháng 10 dương lịch (nhằm ngày 30 tháng 6, và ngày 01 tháng 7 Chăm lịch) tại di tích nhóm đền tháp Chăm Pô Sah Inư (khu phố 5, phường Phú Hài, Tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) để tưởng nhớ tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cho sự hòa hợp lứa đôi, sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật. Lễ hội được tổ chức trên một không gian rộng lớn, từ đền tháp đến thôn làng và cuối cùng ở các dòng tộc, gia đình trong suốt một tháng với nhiều hoạt động đặc sắc bao gồm phần lễ và phần hội.

          Lễ hội Katê tại nhóm đền tháp Chăm Pô Sah Inư diễn ra theo các trình tự nghi lễ truyền thống bao gồm lễ khấn báo nữ thần Pô Sah Inư để xin dựng rạp lễ, lễ rước trang phục về tháp, lễ rước trang phục lên tháp, lễ mở cửa tháp, lễ tắm và mặc trang phục cho bệ thờ Linga-Yoni và cuối cùng là đại lễ cúng mừng lễ hội Katê.

 


Lễ tắm và mặc trang phục cho bệ thờ Linga-Yoni
 
          Lễ hội được bắt đầu với nghi thức rước trang phục nữ thần Pô Sah Inư lên tháp. Đoàn lễ rước trang phục nữ thần năm nay sẽ do người Chăm thôn 3, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc thực hiện. Đoàn rước gồm các chức sắc, những nam thanh nữ tú người Chăm Bàlamôn trong trang phục truyền thống và trình diễn những điệu múa quạt, múa trống, múa vòng dân gian Chăm hòa cùng với tiếng chiêng, tiếng trống Baranưng và trống Ginăng, tiếng kèn Saranai sôi nổi, rộn rã tạo thành một đoàn dài từ dưới chân đồi lên tháp chính tạo không khí đoàn kết, vui tươi nhưng cũng không kém phần trang trọng của buổi lễ.

          Đến nơi, các tu sĩ, chức sắc thực hiện các nghi thức lễ xin phép thần để mở cửa tháp. Tại tháp hiện nay còn thờ thần Shiva với biểu tượng là bộ sinh thực khí Linga-Yoni thể hiện tín ngưỡng phồn thực mang ý nghĩa sinh sôi nảy nở của vạn vật; nên nghi thức tắm bệ thờ cũng quan trọng không kém với lời nguyện ước của các tu sĩ, chức sắc gửi gắm đến các vị thần “rảy lên trời, rảy lên núi, rắc xuống đất, rắc xuống biển. Chúng con kính mong thần phù hộ cho dân làng khỏi bệnh tật, mong thần xóa bỏ những tội lỗi cho dân làng...” .

         Phía trước tháp chính các thiếu nữ Chăm uyển chuyển trong các điệu múa quạt truyền thống hòa cùng với tiếng kèn Saranai, tiếng trống Ginăng rộn rã chào đón các vị thần về với người dân trong ngày đại lễ.

         Xen kẽ các nghi thức lễ là một chuỗi các hoạt động độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người Chăm và với sự tham gia của người Chăm các huyện trong tỉnh. Như trình diễn, giới thiệu sản phẩm, nghề thủ công truyền thống như: Nghề nghề gốm, dệt, làm bánh gừng; thi trưng bày, trang trí lễ vật trên Thôn hala và cổ bồng để dâng tế nữ thần Pô Sah Inư; thi trình diễn nhạc cụ dân tộc Chăm và tổ chức các trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu, đẩy gậy, giã gạo, đội nước vượt chướng ngại vật… Vào buổi tối, tại sân khấu chính sẽ diễn ra các chương trình văn nghệ do các đoàn nghệ thuật dân gian gian Chăm đến từ các huyện trong tỉnh biểu diễn.

         Bên cạnh việc tìm hiểu và trải nghiệm lễ hội Katê tại tháp, du khách có thể tham quan và nghiên cứu thêm về sự độc đáo trong kiến trúc nghệ thuật nhóm đền tháp Chăm Pô Sah Inư; truyền thuyết về Lầu Ông Hoàng, về mối tình thơ mộng giữa thi sĩ Hàn Mặc Tử và nàng Mộng Cầm và mua sắm cho người thân những món quà thủ công mỹ nghệ độc đáo và đặc sắc.

          Lễ hội Katê tại nhóm đền tháp Chăm Pô Sah Inư là lễ hội thường niên thu hút một bộ phận lớn du khách đến tham quan và chiêm bái; bên cạnh đó còn tạo sự đồng thuận và đoàn kết trong cộng đồng người Chăm ở Bình Thuận. Lễ hội là một hình thức bảo lưu, giữ gìn những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc của người Chăm từ lâu đời cũng như quảng bá đến các du khách trong và ngoài nước những nét văn hóa Chăm độc đáo ở Bình Thuận./.

Tác giả bài viết: Phòng quản lý di sản văn hóa phi vật thể