LỄ HỘI TẾ XUÂN TẠI ĐÌNH ĐÔNG AN

LỄ HỘI TẾ XUÂN TẠI ĐÌNH ĐÔNG AN (Xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình)
Học trò lễ thực hiện nghi thức dâng trà rượu trong Chánh lễ tế thần
             Đình làng Đông An được tạo lập vào nửa cuối thế kỷ XVIII, ra đời gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của tỉnh thành Bình Thuận đóng trên vùng đất Hòa Đa xưa. Đây là nơi tôn thờ Thành hoàng Bổn cảnh và các bậc Tiền - Hậu hiền có công khai lập làng, dựng đình và gìn giữ phát huy giá trị phục vụ sinh hoạt văn hóa tâm linh của cư dân trong vùng từ trước đến nay.
          Trải qua hơn 2 thế kỷ tồn tại, đình làng Đông An vẫn còn bảo lưu đầy đủ giá trị về kiến trúc nghệ thuật ban đầu khởi dựng. Quần thể kiến trúc gồm có 4 nóc chính và bố trí theo dạng chữ Khẩu gồm: Chính điện, nhà Ống và Hiệp tự đường (Gian thờ Tiền hiền). Tại đình còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị, trước đây đình Đông An được các vua triều Nguyễn ban tặng hàng chục sắc phong, nhưng rất tiếc trải qua thời gian chiến tranh đã bị thất lạc và hiện nay chỉ còn lưu lại 6 sắc phong. Với những giá trị về kiến trúc nghệ thuật và lịch sử - văn hóa, đình làng Đông An được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Quốc gia theo Quyết định số 38/2001/QĐ-BVHTT ngày 12/7/2001.
          Xưa kia, cũng như bao đình làng khác trong tỉnh Bình Thuận, đình Đông An hàng năm diễn ra hai đợt tế lễ xuân - thu nhị kỳ. Khi quan tỉnh, huyện về “Đàn Tiên Nông” làm lễ cúng tế để xuống vụ mùa mở đầu trong năm phải đến đình làng Đông An làm lễ trước và sau đó xuất phát đến Đàn Tiên Nông.
          Ngày trước ở làng Đông An có những quy định, luật lệ riêng rất nghiêm khắc, trong dịp tế lễ toàn bộ các hương chức cho đến thường dân trong làng phải đến đình tham dự và bái yết Thành hoàng, tổ tiên (nếu ai trốn tránh vì một lý do gì đó mà không đến dự lễ hội sẽ phải chịu những hình phạt rất khắt khe). Lễ hội cũng gồm có 2 phần: phần hội vui tươi lành mạnh, cả làng được xem những điệu múa, lời hát dân gian gồm nhiều thể loại như : múa lân, múa quạt, hát bội, trích đoạn những tuồng tích cổ và chơi các trò chơi dân gian khác. Trong phần lễ có đủ các bộ phận chánh tế, bồi tế, đội bát âm, học trò lễ … có văn tế Thần, Tiền - Hậu hiền theo đúng nghi thức và trình tự theo tập tục của làng. Mỗi dịp lễ hội không khí cả làng luôn rộn ràng náo nức, sân đình tràn ngập trong rừng người và rừng cờ hội tưng bừng.
          Mục đích, ý nghĩa chính của lễ hội là tạ ơn Thành hoàng, thần linh, các bậc tiền nhân có công, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Đồng thời lễ hội còn là dịp để mọi người trong làng gặp gỡ thăm hỏi nhau, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, cùng nhau ôn lại truyền thống cội nguồn, hướng về đạo lý tốt đẹp của dân tộc từ xưa đến nay.
          Tuy nhiên, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ các nghi thức lễ tại đình làng Đông An không được duy trì thường xuyên và liên tục. Sau năm 1975, cư dân trong làng đã khôi phục lại lễ hội tế xuân đầu năm vào ngày 11 - 12 tháng giêng âm lịch và được duy trì thực hiện cho đến ngày nay.
          Có thể nói lễ hội tế xuân tại đình Đông An được chính quyền và Ban quản lý đình chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng. Đây là lễ hội diễn ra đầu tiên trong năm so với các đình làng khác ở tỉnh Bình Thuận. Trong ngày 11 tháng giêng, trước khi thực hiện nghi lễ tụng niệm cầu an theo nghi thức Phật giáo tại đình là phần hội tổ chức thi đấu các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố… giữa các thôn trong xã và các tổ chức đoàn thể. Ban đêm tổ chức văn nghệ giao lưu ca hát cho nhân dân trong làng với sự hổ trợ âm thanh, ánh sáng và sâu khấu của phòng Văn hóa Thông tin huyện Bắc Bình. Có thể nói phần hội trong lễ tế xuân tại đình Đông An đã đem lại không khí vui chơi, giải trí lành mạnh và góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm.
          Song song với phần hội là nghi thức khai kinh cầu an và được thực hiện bởi các nhà sư của những ngôi chùa trong vùng. Nghi lễ tụng kinh cầu an được kéo dài từ 18 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau để cầu mong Thành hoàng, các bậc Tiền - Hậu hiền và các vị thần linh phù trợ cho người dân trong làng bước sang năm mới có cuộc sống no ấm, bình an và làng xã thịnh vượng.
          Quan trọng nhất trong lễ hội tế xuân là nghi thức chánh lễ tế thần, lễ vật dâng cúng gồm 2 con heo quay, vịt, bánh ít, chè, xôi, hoa quả, trà, rượu…Đặc biệt nghi thức cúng tế được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, khép kín từ mở đầu cho đến kết thúc của một lễ hội văn hóa dân gian. Tham gia thực hiện tế lễ gồm có chánh bái, bồi bái, phụ lễ, xướng lễ, học trò lễ…trong trang phục truyền thống với áo dài khăn đóng.
          Quy trình thực hiện tế lễ theo bài xướng văn đã được biên soạn sẵn và phân công cho một người xướng lễ hô và các thành viên trong Ban nghi lễ thực hiện theo lời xướng. Mở đầu và kết thúc lễ gồm có: Ban nghi lễ tẩy rửa sạch sẽ, tựu vị, kiểm soát lễ vật, khai mõ, khai tiểu chung cổ, đại hồng chung, trống sấm, dâng 2 lần trà rượu khấn cầu thần linh phù trợ, đọc văn tế, châm trà rượu, tấu văn tế, đốt văn tế, hồi nhạc lễ, hồi chung cổ và lễ tạ thần tứ bái để kết thúc nghi thức tế lễ.
          Sau khi Ban nghi lễ thực hiện xong nghi thức chánh lễ tế thần, nhân dân trong làng vào thắp hương khấn bái từng khám thờ để cầu Thành hoàng Bổn cảnh và các vị thần linh phù trợ cho cuộc sống được sung túc yên ổn trong năm mới. Mỗi người dân trong làng đến với lễ hội ngoài niềm tin tín ngưỡng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn; bên cạnh đó họ còn thể hiện trách nhiệm của mỗi người bằng cách góp một phần kinh phí cho việc tổ chức lễ hội và gìn giữ di sản quý giá do các thế hệ cha ông để lại.
          Lễ hội tế xuân tại đình làng Đông An kết thúc trong không khí háo hức, vui tươi, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, mọi người cùng quây quần bên nhau hưởng những lễ vật dâng cúng thần linh; trao đổi, chia sẻ nhau những khó khăn, kinh nghiệm trong cuộc sống, cùng hướng tới một năm mới an lành và thịnh vượng.

Tác giả bài viết: Nguyễn Chí Phú