LỄ HỘI VÍA QUAN THÁNH TẠI ĐỀN THỜ BÀ THIÊN HẬU Ở HUYỆN BẮC BÌNH, TỈNH BÌNH THUẬN

LỄ HỘI VÍA QUAN THÁNH TẠI ĐỀN THỜ BÀ THIÊN HẬU Ở HUYỆN BẮC BÌNH, TỈNH BÌNH THUẬN
Đền thờ Bà Thiên Hậu xã Phan Rí Thành huyện Bắc Bình
                Chùa Bà Thiên Hậu tọa lạc tại xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận được xây dựng vào năm 1725, cách Phan Thiết khoảng 75 km về phía Bắc. Chùa Bà Thiên Hậu (Thiên Hậu Cung) thực ra là một ngôi đền lớn, có lối kiến trúc, nội dung thờ cúng bên trong đều mang đậm nét văn hóa của người Hoa. Không biết từ lúc nào ngôi đền được cả người Hoa và người Việt gọi là “Chùa” và tên gọi đó tồn tại cho đến ngày nay.
 
                Tín ngưỡng thờ Quan Thánh Đế Quân (Quan Công) một tín ngưỡng dân dã được người Hoa mang theo khi di cư đến Việt Nam, là một trong những nét riêng làm nên “bản sắc văn hóa Hoa”. Trong tín ngưỡng dân gian của người Hoa, Quan Công còn được xem là vị tài thần có thể mang lại phúc lộc thọ, của cải và mang đến may mắn cho gia đình. Tại đền thờ Bà Thiên Hậu ở xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình; Quan Công được phối thờ cùng với các vị thần khác theo tín ngưỡng dân gian của người Hoa.
 
                 Lệ Vía Quan Thánh Đế Quân (Vía Ông) diễn ra thường niên trong hai ngày 12 và 13 tháng giêng âm lịch tại đền thờ Bà Thiên Hậu thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách gần xa đến chiêm bái.
 
                 Đúng 7 giờ sáng ngày 12 tháng giêng âm lịch năm Giáp Ngọ, toàn thể bang hữu tề tựu trước lễ đường để làm lễ dâng hương Quan Thánh. Trong ngày này, Ban nghi lễ sẽ tổ chức cúng chay đến 10 giờ 30 cúng ngọ và sau đó thiết đãi bữa cơm chay cho các bang hữu về dự. Từ 19h đến 21h30 tại đền sẽ tổ chức lễ cúng tiên với ý nghĩa tưởng nhớ đến công lao của Ngài, mong phù hộ cho năm mới được bình an và mời Ngài về dự lễ vào sáng ngày mai (ngày 13 tháng giêng). Sau đó, cửa đền sẽ rộng mở để đón nhân dân đến dâng hương cầu an.
 
                                                                                 
                                       
Ban nghi lễ dâng hương

 
                 Vào sáng ngày 13 tháng giêng âm lịch là ngày chính thức diễn ra lễ tế quan trọng. Sáng tinh mơ, trong điện thờ đã khói hương trầm nghi ngút, chuông trống vang lừng, chuẩn bị bước vào lễ tế. Ngay giữa chính điện, phẩm vật dâng tế là một con heo quay, 1 con gà luộc chín, bánh trái và nhiều hoa quả đủ loại. Ngoài ban tổ chức buổi tế lễ còn có ban tiếp dẫn (đội gia lễ) và ban tế lễ (Chánh tế, Đông, Tây xướng và đọc văn tế). 
 
                 Đúng 9 giờ bước vào buổi lễ tế. Mở đầu là ba hồi chiêng trống vang lên báo hiệu giờ lành đã đến. Đội gia lễ hương đèn sẵn sàng tiếp dẫn, dâng hoa quả lên điện thờ. Người chủ tế với lễ phục áo rộng thắt đai chỉnh tề quỳ lạy cúc cung, hưng bái trước khám thờ Quan Công theo lời xướng tế, với sự tham gia chứng kiến của hàng trăm người dân tham dự. Sau đó, lại một hồi trống vang lên. Chủ lễ sẽ đọc văn tế thần (văn tế Quan Thánh được viết bằng chữ Hán trên một tấm giấy màu vàng, đính lên giá văn và bên trên dán thêm một tờ vàng bạc, để đến bao giờ có lời xướng "Tuyên đọc chúc" thì giá văn được đưa từ bàn thờ xuống, chuyển cho người đọc).
 
                                                                                         
                                     
Vật phẩm dâng tế 

 
                 Sau đó là lễ "Phần Chúc" tức là đốt văn tế. Sau đủ 3 tuần trà rượu, ba hồi chiêng trống buổi lễ mới chấm dứt, thời gian kéo dài khoảng 60 phút theo các nghi thức hành lễ dân gian. Khoảng 11 giờ sau khi buổi lễ kết thúc, tất cả nhân dân và khách tham dự lễ đều được mời tham dự bữa cơm thân mật.
 

       Nhân dân và du khách tham dự lễ hội

                 Lễ vía Quan Thánh Đế Quân là ngày hội lớn đối với cộng đồng người Hoa lẫn người Việt ở đây, do lễ vía trùng với dịp xuân về, nên mọi người cùng nhau đi hái lộc rất đông vui. Tín ngưỡng thờ Quan Thánh kết hợp với tín ngưỡng của cư dân bản địa nơi người Hoa đến sinh sống, từ đó đã làm cho đời sống tinh thần của họ thêm phong phú, tạo nên sự hỗn dung, tích hợp văn hóa trong đời sống tâm linh của cộng đồng các dân tộc nơi đây./.

Tác giả bài viết: Phòng Quản lý di sản văn hóa Phi vật thể