Phát hiện mới nguyên liệu làm gốm cổ Sa Huỳnh tại Bình Thuận

Vừa qua, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận đã tổ chức điền dã, kiểm tra một số di chỉ khảo cổ thuộc văn hóa Sa Huỳnh ở huyện Hàm Thuận Bắc. Các di chỉ khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh ở đây phân bố khá dày đặc ở khu vực động cát ven biển chạy song song quốc lộ 1A.
        Loại hình hiện vật cơ bản nhất được phát hiện ở khu vực này bao gồm: Mộ chum hình cầu, trứng; các loại vũ khí như qua đồng, rìu đồng, giáo đồng; hạt chuỗi bằng đá, thủy tinh; khuôn đúc đồng; dọi se chỉ, bát bồng,….
 

Cảnh quan di chỉ khảo cổ Phú Trường

 
Cảnh quan di chỉ Hồng Sơn

        Đợt điền dã, kiểm tra vừa qua đã phát hiện một số hiện vật như: Đá có lổ, bát gốm và nguyên liệu chế tác đồ gốm. Trong đó, đăc biệt là nguyên liệu làm gốm xuất lộ trên bề mặt di chỉ, rất hiếm gặp trong các cuộc khai quật. Trước đó, trong đợt thám sát di chỉ khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh tại thôn Thanh Bình, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình đã phát hiện nguyên liệu chế tác đồ gốm trong hố đất đen; ngoài ra, còn có đá thạch anh, than vỡ vụn. Năm 2020, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận tiến hành thám sát di chỉ khảo cổ Đa Kai thuộc hậu kỳ đá mới ở huyện Đức Linh cũng đã phát hiện 1 hiện vật sét nguyên liệu. Sét nguyên liệu là hiện vật rất hiếm gặp trong các di chỉ khảo cổ vì nó được tận dụng tối đa trong quá trình chế tác đồ gốm tại chỗ và rất dễ nhầm lẫn. Phát hiện một số nguyên liệu làm gốm tại các di chỉ này là bằng chứng thuyết phục về cư dân thời tiền sử đã từng chế tác gốm tại đây.

        Việc phát hiện các hiện vật nêu trên và hàng trăm hiện vật gồm nhiều chủng loại, chất liệu khác nhau được phát hiện trong nhiều năm qua tại di tích Động Bà Hòe và Động Cát thôn 6 xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc đã minh chứng Bình Thuận là một trong những trung tâm lớn sơ kì sắt văn hóa Sa Huỳnh với sưu tập mộ chum, qua đồng, khuôn đúc, dọi se chỉ, đồ trang sức hiện đang lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận.

 

Tác giả bài viết: Hoàng Văn Đàn

Nguồn tin: Bảo tàng tỉnh Bình Thuận