TRIỂN LÃM CHUYÊN ĐỀ “DI SẢN VĂN HÓA GIA LAI VÀ DI SẢN VĂN HÓA CHĂM BÌNH THUẬN”

TRIỂN LÃM CHUYÊN ĐỀ  “DI SẢN VĂN HÓA GIA LAI VÀ DI SẢN VĂN HÓA CHĂM BÌNH THUẬN”
          Hòa chung không khí vui tươi, phấn khởi của cả nước đang tích cực tổ chức các chương trình, hoạt động chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và kỷ niệm 74 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2019), Bảo tàng tỉnh Bình Thuận phối hợp với Bảo tàng tỉnh Gia Lai long trọng tổ chức trưng bày, triển lãm Chuyên đề “Di sản Văn hoá tỉnh Gia Lai - Di sản Văn hoá Chăm Bình Thuận” từ ngày 15/11 - 15/12/2019 tại di tích Tháp Chăm Pô Sah Inư.

          Tham dự buổi lễ khai mạc gồm có đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, CBVC 2 đơn vị Bảo tàng tỉnh Gia Lai, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận các nhà sưu tập tư nhân, các em học sinh và báo, đài về đưa tin.

          Tại buổi lễ ông Nguyễn Văn Quỳ - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận cho biết, với mong muốn thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em, mở rộng giao lưu văn hóa, hợp tác giữa các vùng miền trong cả nước, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận phối hợp với Bảo tàng tỉnh Gia Lai trưng bày chuyên đề “Di sản Văn hoá tỉnh Gia Lai - Di sản Văn hoá Chăm Bình Thuận” bao gồm nhiều hiện vật, tư liệu, hình ảnh phản ánh quá trình sinh sống lao động, sản xuất, phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc anh em sinh trên vùng đất tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Thuận qua các thời kỳ lịch sử. Đây là nguồn tư liệu quý, kết tinh trí tuệ, tỉnh cảm, truyền thống của các thế hệ cha ông để lại.

          Đối với công tác Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa. Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá của dân tộc của tỉnh Gia Lai - Bình Thuận đã nhận được sự quan tâm của đảng và nhà nước, sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị, công tác xã hội hoá được tăng cường và thu hút được đông đảo các tổ chức và cá nhân tham gia bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hoá ở địa phương.

          Bình Thuận là một địa phương vốn có bề dày về lịch sử, truyền thống văn hóa, có 40 di tích cấp tỉnh, 28 di tích cấp quốc gia di tích lịch sử, thắng cảnh, có 27.677 hiện vật gốc, gồm có 32 dân tộc: Kinh (Việt), Chăm, Hoa, Cờho, Raglai, Churu, Tày, Nùng...

           Gia Lai là một tỉnh nằm trên địa bàn chiến lược ở khu vực bắc Tây Nguyên, là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, đa dạng về thành phần cư dân và nền văn hóa cổ xưa mang bản sắc độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hiện nay, Gia Lai có 22 di tích được xếp hạng, trong đó có 9 di tích cấp tỉnh, 13 di tích cấp Quốc gia, có 34 dân tộc anh em sinh sống: Kinh (Việt), Gia Rai, Bana, Giẻ-triêng, Xơ-đăng, Thái, Mường...

          Các Di sản văn hóa Gia Lai - Bình Thuận Mặc dù trải qua biết bao biến cố của lịch sử, bị mất mát, hủy hoại bởi chiến tranh và điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, nhưng kho tàng di sản văn hóa ấy vẫn vô cùng phong phú và đa dạng. Việc bảo vệ Di sản văn hóa có ý nghĩa to lớn trong việc hình thành nhân cách con người trong quá khứ, hiện tại và tương lai, là nguồn lực quan trọng đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

           Trong đợt triển lãm lần này giới thiệu hơn 300 hình ảnh, hiện vật đến công chúng về đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân tộc Ba Na, Gia Rai, Xơ đăng… ở tỉnh Gia Lai và dân tộc Chăm ở tỉnh Bình Thuận qua các thời kỳ, từ đó góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững mạnh, phát triển. Đồng thời để người dân hiểu rõ hơn việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa không chỉ là nhiệm vụ của những người làm công tác văn hóa, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội./.

Tác giả bài viết: Uông Trung Hoà