Bảo tàng Bình Thuận và các bộ sưu tập cổ vật quý hiếm

(binhthuan.gov.vn) Sáng ngày 30/01/2016, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ Khánh thành Nhà trưng bày Bảo tàng Bình Thuận. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đã đến dự và cắt băng khánh thành.
Bảo tàng Bình Thuận và các bộ sưu tập cổ vật quý hiếm
Bộ sưu tập cổ vật quý hiếm 
Văn hoá khảo cổ học Sa Huỳnh. Văn hoá Sa Huỳnh ở Bình Thuận phân bố dọc theo các triền cát ven biển từ huyện Tuy Phong đền thị xã La Gi, tập trung nhiều nhất ở 2 huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam. Đây là một nền văn hoá bản địa, nét đặc trưng cơ bản nhất là chôn người chết và vật tuỳ táng trong các mộ chum bằng gốm. Con người thời kỳ này đã biết chế tạo công cụ lao động bằng kim loại thay thế đồ đá trước đó; đồ trang sức rất đa dạng và phong phú. Niên đại từ 2.500 – 3.000 năm cách ngày nay.
Văn hoá khảo cổ học Đa Kai. Di tích khảo cổ học Đa Kai thuộc xã Đa Kai, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, được phát hiện từ năm 1977-1978. Đây là nền văn hoá cổ thuộc hậu kỳ đồ đá mới. Với số lượng di vật là rìu, bàn mài, cuốc, đục, dao bằng đá và đồ gốm… Đặc biệt, ở đây đã phát hiện được 3 bộ đàn đá, là nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người. Di tích phân bố trên diện tích rộng lớn, có mối liên hệ với nền văn hoá Bắc Đồng Nai và một phần ở Tây Nguyên, có niêm đại 3.000 năm cách ngày nay.
Văn hoá Chăm. Người Chăm ở Bình Thuận là dân tộc bản địa, sinh sống lâu đời trong suốt tiến trình lịch sử gần 2.000 năm qua. Trong thời gian ấy, cùng với cộng đồng người Chăm trong cả nước, họ đã sản sinh ra một nền văn hoá đặc sắc, riêng biệt và để lại đến ngày nay số lượng di sản văn hoá đồ sộ như đền tháp, đền thờ, thành quách, vương miện, tượng, phù điêu, lễ nghi, lễ hội… Trong đó có nhiều di sản văn hoá đặc sắc ở giai đoạn cuối của Vương quốc Chămpa vào thế kỷ XVI – XVII, chịu sự chi phối của 2 tôn giáo Bàlamôn và Bàni.
Văn hoá các dân tộc thiểu số. Bình Thuận có 34 dân tộc thiểu số nằm trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong đó, các dân tộc Raglai, Cờho, Chăm, Choro được coi là bản địa. Những dân tộc này có một nền văn hoá khá phong phú và đa dạng mang tính đặc trưng của vùng rừng núi, do đời sống của họ chủ yếu dựa vào tự nhiên. Trong văn hoá các dân tộc ít người này đều theo tín ngưỡng đa thần với quan niệm vạn vật hữu linh, các lực lượng tự nhiên đều được thần thánh hoá và thờ cúng với niềm tin tuyệt đối. Do đó, lễ nghi, lễ hội và tâm linh tín ngưỡng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của họ.
Văn hoá dân tộc Kinh. Hơn 300 năm (1697) hình thành, xây dựng và phát triển quê hương Bình Thuận, đến hôm nay trong tất cả các thời kỳ lịch sử – văn hoá của người Việt (Kinh) luôn luôn giữ vai trò là văn hoá chủ thể để cùng các dân tộc anh em khác xây dựng và bảo vệ quê hương. Trong đó, ngoài những giá trị về văn hoá vật chất còn lưu giữ và phát huy như đình làng, lăng vạn, chùa chiền… thì văn hoá tinh thần luôn đóng vai trò chủ đạo để duy trì và phát huy những giá trị của văn hoá truyền thống.
Cổ vật tàu đắm trên vùng biển Cà Mau và Bình Thuận. Vùng biển Bình Thuận từ xưa là ngư trường chính của ngư dân sinh sống nghề đánh bắt hải sản. Cũng trên vùng biển này, những thế kỷ trước là con đường hàng hải lưu thông tàu bè của các nước. Trong đó, giữa nước ta với các nước đã hình thành nên con đường “tơ lụa” trên biển tấp nập tàu bè qua lại. Nhiều con tàu đắm trên vùng biển được ngư dân Bình Thuận phát hiện. Các cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước đã thu được hàng chục nghìn cổ vật từ những con tàu đắm, là đồ gốm sứ có niên đại từ thời Minh, thời Thanh của Trung Quốc và có cả gốm sứ của Thái Lan với những giá trị về kinh tế, văn hoá và nghệ thuật. Qua các sưu tập cổ vật cho chúng ta hình dung ra được con đường buôn bán tập nập trên vùng biển Bình Thuận từ nhiều thế kỷ trước.
Tham quan Bảo tàng Bình Thuận
Bảo tàng Bình Thuận có địa chỉ tại số 04 Bà Triệu, thành phố Phan Thiết, nằm cạnh dòng sông Cà Ty thơ mộng. Là cơ quan nghiên cứu khoa học và giáo dục phổ biến kiến thức khoa hoc của địa phương, nhằm nâng cao giá trị văn hoá, lòng yêu quê hương đất nươc và tự hào dân tộc; là nơi lưu giữ và phát huy các giá trị di sản văn hoá từ thời tiền sủ cho đền ngày nay.
Với diện tích 400 mét vuông, khu trưng bày sưu tập cổ vật của Bảo tàng Bình Thuận sẽ đáp ứng mọi nhu cầu tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu di sản văn hoá thông qua các cổ vật của nhân dân địa phương, du khách và các nhà khoa học. Giờ mở cửa phục vụ của Bảo tàng như sau: buổi sáng từ 7giờ30 đến 11giờ30; buổi chiều từ 14giờ đến 17giờ.

Tác giả bài viết: Nguyên Vũ