Tìm Kiến

Tìm kiếm chọn lọc

ĐÔI NÉT VỀ TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG ÂM HỒN TẠI NGHĨA TRỦNG TỪ Ở XÃ PHAN RÍ THÀNH, HUYỆN BẮC BÌNH

Thứ năm - 29/06/2017 23:19
Đôi nét về tín ngưỡng thờ cúng âm hồn tại Nghĩa Trủng từ ở xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình
Di tích Nghĩa Trủng từ

Di tích Nghĩa Trủng từ

             So với các địa phương khác ở Bình Thuận, Hòa Đa xưa là vùng đất sớm có sức thu hút lớn những bộ phận dân binh từ các tỉnh Ngũ Quảng đến khẩn hoang, tạo lập cuộc sống. Trên mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa này, ông cha ta ngày trước đã để lại cho hậu thế nhiều công trình kiến trúc có giá trị tiêu biểu thể hiện sức sáng tạo và phản ánh một đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần, tâm linh tín ngưỡng hết sức phong phú. Bên cạnh tín ngưỡng thờ thần Thành hoàng, thờ Mẫu, thờ Cá Ông (thần Nam Hải)… tín ngưỡng thờ cúng âm hồn cũng giữ một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân nơi đây.

           Vậy âm hồn là gì? Có thể hiểu âm hồn là hồn của người chết vì nhiều lý do khác nhau mà không được người thân hay biết, trở thành những linh hồn cô độc lưu lạc không nơi nương tựa, không người thân thờ cúng.

           Nghĩa Trủng từ (miếu Nghĩa Trủng) tọa lạc tại thôn Bình Long, xã Phan Rí Thành (Bắc Bình) là thiết chế tín ngưỡng dân gian được tạo lập vào đầu thế kỷ XIX; được xem là một trong những di tích tiêu biểu về tục thờ cúng âm hồn ở Bình Thuận. Nghĩa trủng theo nghĩa của âm Hán Việt là ngôi mộ chung cho những người chết vì làm việc nghĩa. Nghĩa trủng ở Phan Rí Thành (Bắc Bình) không chỉ có những hài cốt của những người làm việc nghĩa, những chiến sỹ vô danh mà còn có hài cốt vô chủ khác. Ở phía sau ngôi miếu hiện có rất nhiều ngôi mộ được người dân địa phương quy tập, chăm lo thờ cúng và thực hiện tế lễ từ thời nhà Nguyễn cho đến nay.

            Theo quan niệm dân gian, trên mảnh đất sinh sống của mỗi làng quê (do ảnh hưởng của chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh…) thường có sự hiện diện của những linh hồn không nơi nương tựa, họ chết vì nhiều lý do khác nhau trở thành những linh hồn cô độc, không được người thân hay biết, không người hương khói. Chính vì vậy, thờ cúng âm hồn, cô hồn cũng là đạo lý xưa nay của người Việt là sự cảm thông sâu sắc của người đang sống đối với những thân phận bất hạnh đã khuất. Bên cạnh thờ cúng âm hồn tại Nghĩa Trủng từ hay phối thờ trong các thiết chế tín ngưỡng dân gian như: đình, chùa, lăng vạn…, việc cúng cô bác âm linh tại các gia đình cũng tương đối phổ biến nhằm cầu mong cho gia đình, xóm làng được bình yên, công việc làm ăn thuận lợi, cuộc sống ấm no và hạnh phúc.

            Từ lâu, tục thờ cúng âm hồn là loại hình tín ngưỡng dân gian khá phổ biến trong nhân dân, nhờ được sự bảo trợ của nhà nước phong kiến triều Nguyễn nên tín ngưỡng này không ngừng được duy trì và bồi đắp trong suốt chiều dài lịch sử. Liên tiếp các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều ra các chỉ dụ cho quan dân địa phương trong cả nước chú trọng đến tục thờ cúng này. Vào thời Minh Mạng nhà vua cho lập đàn tế âm hồn chu cấp tiền bạc, phẩm vật, để hàng năm các địa phương từ kinh thành cho đến các trấn Gia Định, Bình Thuận, Hòa Bình, Phú Yên… chăm lo tế lễ. Đến thời vua Tự Đức việc làm này cũng được cụ Nguyễn Thông nói rõ trong bài Nghĩa Trủng Phú: “Vào năm Tự Đức thứ 18 (1865), nhà vua có lệnh sai tất cả các quan lập nghĩa trủng, kiểm tra thu nhặt hài cốt các mồ hoang mai táng một chỗ, hàng năm đến tháng hai thì ban tế một lần”.

             Đó cũng là cơ sở để Nghĩa Trủng từ được thiết lập trên mảnh đất Hòa Đa giàu truyền thống vốn là trung tâm chính trị, văn hóa được các vua nhà Nguyễn chọn làm nơi đóng tỉnh thành (các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Đồng Khánh và Thành Thái tỉnh thành Bình Thuận đều đóng trên địa phận huyện Hòa Đa). Xưa kia đây là vùng đất đầy biến động bởi các cuộc giao tranh trong thời kỳ mở nước về phía Nam của chúa Nguyễn đồng thời hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ đã làm biết bao dân thường vô tội và binh lính tử nạn, để lại trên mảnh đất này nhiều mồ mả hoang. Ngoài ra, trước đây người dân sống tại các làng gần sông Luỹ cũng từng phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh làm dân cư suy tán và chết chóc rất nhiều. Lịch sử đã ghi lại làng Kỳ Xuyên đã từng xảy ra bệnh dịch tả giết chết nhiều người. Vì vậy sự hiện diện của Nghĩa Trủng từ trên mảnh đất Phan Rí Thành và tồn tại cho đến ngày nay cũng là điều dễ hiểu; thể hiện đạo lý của người Việt trọng tình nghĩa, biết xót thương những thân phận bất hạnh và tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai phá vùng đất này.

            Từ khi tạo lập cho đến nay di tích không ngừng được người dân chăm lo, tôn tạo và bồi đắp qua thời gian. Để đến hôm nay dù trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử di tích vẫn hiện diện trên mảnh đất này với đầy đủ các giá trị đáng tự hào. Đặc biệt là bảo lưu tương đối nguyên vẹn công trình kiến trúc dân gian của thế kỷ XIX và lưu giữ nhiều di vật có giá trị lịch sử văn hoá, trong đó tiêu biểu là 09 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn (Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân và Khải Định). Cùng với nhiều câu đối, hoành phi được khắc trên gỗ, trong đó đáng chú ý là bức hoành phi khắc ba chữ Hán “Nghĩa Trủng từ” do tri huyện Hòa Đa phụng tạo, được treo trang trọng tại Chính điện đã nói lên vị trí tầm quan trọng của di tích trong quá khứ. 

             Như vậy, vào đầu thế kỷ XIX, bên cạnh các thiết chế tín ngưỡng văn hóa được hình thành trên mảnh đất Hòa Đa như đình, chùa, đền, miếu… Nghĩa Trủng từ cũng được thiết lập, trở thành chỗ dựa tinh thần của người dân địa phương từ trước cho đến nay. Việc tổ chức tế lễ hàng năm vào các dịp Thanh minh và rằm tháng Bảy thể hiện các giá trị đạo đức đầy tính nhân văn và tính cố kết cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Tác giả bài viết: Phòng Bảo tồn và Quản lý di tích

Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thông Báo - Giấy Mời - Văn Bản

Hiện Vật Tiêu Biểu

  • Tên hình ảnh 1
  • Ảnh khai thác cổ vật
  • Tên hình ảnh 1
  • Tên hình ảnh 1
  • Chèo bả trạo
  • Lễ nghinh ông
  • Bình gốm
  • Đàn đá
  • Rìu đá
  • Vươn miện của vua và hoàng hậu

Thư Viện Video Clip

Văn hóa Chăm Pa

Văn hóa Chăm Pa

Đã xem: 3278
13/02/2017
Khai quật cổ vật

Khai quật cổ vật

Đã xem: 2720
13/02/2017

Liên Kết WebSite

Thống Kê Truy Cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 409

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 407


Hôm nayHôm nay : 114748

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1631202

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 37901971

Đường Đi