Tìm Kiến

Tìm kiếm chọn lọc

NGHI LỄ NGHỆ SẮC TRONG LỄ HỘI CẦU NGƯ TẠI VẠN THỦY TÚ THÀNH PHỐ PHAN THIẾT

Thứ tư - 12/07/2017 05:42
Nghi lễ nghệ sắc trong Lễ hội cầu ngư tại Vạn Thủy Tú thành phố Phan Thiết
Vạn Thủy Tú - Phan Thiết

Vạn Thủy Tú - Phan Thiết

         Theo tập tục lâu đời, lễ hội Cầu ngư chính mùa ở Vạn Thủy Tú đúng định kỳ 3 năm đáo lệ tổ chức đại lễ cúng chay một lần. Như vậy, theo trình tự thời gian cứ 2 năm cúng mặn liên tiếp thì có 1 năm đáo lệ làm chay. Năm 2017, Đại lễ Cầu ngư chính mùa ở Vạn Thủy Tú diễn ra trong 6 ngày 5 đêm từ 18 – 23 tháng sáu âm lịch.
 


Xương cốt Ông (cá Voi) tại Vạn Thủy Tú
 
         Lễ Nghệ sắc được xem như nghi thức mở đầu của lễ hội Cầu ngư chính mùa diễn ra vào 6 giờ sáng ngày 19 tháng sáu âm lịch. Lúc này, tất cả các hương án, khám thờ trong Chính điện đều được lên hương đèn sáng rực và trang nghiêm. Đến giờ hành lễ, Ban lâm tế, Ban phụng sự lễ hội, đội nhạc lễ, các vị hào lão trong vạn cùng đông đảo dân làng trong lễ phục nghiêm trang tề tựu đầy đủ tại Chính điện để vào lễ. Điều đáng chú ý là trong các nghi thức của lễ hội Cầu ngư chính mùa tại Vạn Thủy Tú đều có sự tham gia của đội nhạc lễ gồm 4 người, sử dụng nhiều loại nhạc cụ truyền thống như: đồng la, trống chiến, đàn nhị, đàn sến, kèn trung hỷ - tiểu hỷ, phách, song loan, bạt, mõ.

         Nghi lễ được mở đầu bằng 3 hồi chuông, đến 3 hồi khánh, 3 hồi trống tiểu, 3 hồi đại hồng chung rồi đến 3 hồi trống đại nối tiếp nhau, sau đó đội nhạc lễ hòa âm điệu nhạc “Tam lang ngũ chuyển” tạo nên một âm hưởng rộn ràng, dồn dập nhưng không kém phần trang nghiêm. Nhạc lễ tạm ngưng, Ông Chánh bái, Bồi bái và Trưởng vạn mặc lễ phục áo dài màu xanh, đầu đội khăn đóng màu đen trân trọng bước vào vị trí trước khám thờ Ông Nam Hải, mỗi Ông đốt 3 nén hương khấn niệm và qùy bái 3 bái trước khám, rồi cùng dâng 1 tuần hương, 1 tuần rượu lên khám thờ Thần Nam Hải, khấn báo và cầu xin Ông cho phép bổn vạn được thỉnh các sắc Thần (sắc phong của các nhà Vua triều Nguyễn ban tặng cho Ông Nam Hải và các vị thần linh) từ trên cao phía sau khám Thần Nam Hải xuống các khám thờ trong vạn.

 

Nghi lễ Nghệ sắc 
 
        Tại Vạn Thủy Tú còn lưu giữ 24 sắc phong do các đời vua Triều Nguyễn ban tặng, sắc được cất giữ cẩn trọng trong 7 hộp gỗ sơn đỏ, bên ngoài mỗi hộp được bọc thêm một lớp vải nhung đỏ. Theo tập tục lâu đời, ở các lăng vạn nói chung và Vạn Thủy Tú nói riêng, sắc phong chỉ được thỉnh xuống sau khi đã làm xong những nghi thức theo phong tục vào các dịp lễ hội, còn những ngày thường phải kiêng cử và không ai dám đưa sắc phong ra khỏi nơi cất giữ, vì như thế sẽ bị Ông quở phạt.
 
 

Ban Lâm tế, Ban phụng sự lễ tiến hành thỉnh sắc 
 
        Sau khi làm xong nghi thức khấn báo Ông Nam Hải, Ban Lâm tế, Ban phụng sự lễ theo trình tự đến chỗ cất giữ sắc phong, mở cửa khấn bái và lần lượt thỉnh 7 hộp sắc xuống và trân trọng đặt lên bàn ngay trước khám thờ Ông Nam Hải. Ông Trưởng vạn là người mở hộp sắc đầu tiên, tiếp đó là Chánh bái, Bồi bái và các ông trong Ban Lâm tế lần lượt mở các hộp sắc còn lại. Việc mở các hộp sắc phong chỉ mang tính nghi thức, được thực hiện hết sức nhẹ nhàng và cẩn trọng, sau đó được đặt trở lại vào hộp và bọc lớp vải nhung đỏ như ban đầu. Tiếp đó Ban Lâm tế lần lượt đặt các hộp sắc phong lên các khám thờ (sắc phong của vị Thần nào được đặt lên đúng khám thờ của vị Thần đó). Tiếp theo, ông Trưởng vạn, Chánh bái và Bồi bái khấn niệm, dâng hương, trà, rượu lên khám thờ Ông Nam Hải một lần nữa rồi đồng bái 3 bái trước 3 khám thờ: khám Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn Thần (ở giữa), khám Huy hoàng thái hiệu tiên sư tôn Thần (bên tả) và khám Thủy long Thánh phi nương nương tôn Thần (bên hữu). Trong lúc Ban Lâm tế và Ban phụng sự lễ hội thực hiện các nghi thức trong lễ Nghệ sắc thì các loại nhạc khí trong vạn và đội nhạc lễ vẫn nổi lên từng hồi theo nhịp điệu tạo nên một không khí lễ rộn ràng nhưng hết sức trang nghiêm.

        Lễ Nghệ sắc ở Vạn Thủy Tú nói riêng và các lăng vạn ở Bình Thuận nói chung được tổ chức đơn giản hơn so với một số tỉnh lân cận ở miền Trung. Điển hình như ở Khánh Hòa, lễ rước sắc diễn ra rất bề thế và long trọng, người ta phải tổ chức đoàn lễ có cờ, trống, chiêng, lọng và đội chèo Bả trạo đến thỉnh rước sắc phong Ông Nam Hải thờ tại đình làng về lăng vạn. Ở Bình Thuận cũng có một số lăng vạn như Vạn Hiệp Hưng (Phan Thiết), Lăng Ông Nam Hải (Tuy Phong) tổ chức lễ thỉnh rước sắc phong Ông Nam Hải thờ tại đình làng về vạn nhưng ít long trọng và quy mô như ở Khánh Hòa.
 

Tác giả bài viết: Phòng quản lý di sản văn hóa phi vật thể

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thông Báo - Giấy Mời - Văn Bản

Hiện Vật Tiêu Biểu

  • Tên hình ảnh 1
  • Ảnh khai thác cổ vật
  • Tên hình ảnh 1
  • Tên hình ảnh 1
  • Chèo bả trạo
  • Lễ nghinh ông
  • Bình gốm
  • Đàn đá
  • Rìu đá
  • Vươn miện của vua và hoàng hậu

Thư Viện Video Clip

Văn hóa Chăm Pa

Văn hóa Chăm Pa

Đã xem: 3244
13/02/2017
Khai quật cổ vật

Khai quật cổ vật

Đã xem: 2697
13/02/2017

Liên Kết WebSite

Thống Kê Truy Cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 486

Máy chủ tìm kiếm : 5

Khách viếng thăm : 481


Hôm nayHôm nay : 69727

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2697113

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 35920884

Đường Đi