Tìm Kiến

Tìm kiếm chọn lọc

CHÙA LONG SƠN - GIÁ TRỊ VỀ LỊCH SỬ, VĂN HÓA VÀ KIẾN TRÚC

Thứ tư - 23/10/2019 00:02
Mặt tiền Chính điện chùa Long Sơn

Mặt tiền Chính điện chùa Long Sơn

            Trong các di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật còn lưu giữ lại trên vùng đất Phan Thiết, ngoài những di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia như: đình làng Tú Luông, Đức Thắng, Đức Nghĩa, Lạc Đạo và vạn Thủy Tú… Bên cạnh đó những ngôi chùa cổ luôn là địa chỉ hấp dẫn đối với du khách quan tâm tìm đến khám phá vẻ đẹp độc đáo của văn hóa Phật giáo hiện diện trên mảnh đất Bình Thuận trong buổi đầu của quá trình khai mở đất ở vùng cực Nam Trung bộ. Trải qua bao thời gian biến động và chiến tranh tàn phá, nhưng đến nay trên mảnh đất Phan Thiết vẫn tồn tại một số ngôi chùa cổ mang đậm sắc thái kiến trúc nghệ thuật dân gian như: chùa Hưng Long, chùa Phật Quang, chùa Long Hải, chùa Long Sơn... Đó là những hình ảnh quen thuộc, di sản văn hóa quý giá và là niềm tự hào của mỗi người dân Phan Thiết.

             Phật giáo hiện diện và phát triển ở Phan Thiết rất sớm theo bước chân hành trình của những đoàn người di cư từ các tỉnh miền Trung vào Phan Thiết khẩn hoang lập nghiệp. Song song với quá trình tạo dựng xóm làng, theo phong tục nơi cố hương của những dòng người di cư họ rất chú tâm đến việc dựng đình để thờ Thành hoàng Bổn cảnh và dựng chùa để thờ Phật làm chỗ dựa tinh thần nơi vùng đất mới. Cha ông chúng ta luôn quan niệm rằng: “đất có Thổ Công, sông có Hà Bá, địa cuộc nào có Thành hoàng đó” hoặc “đất của vua, chùa của làng”. Do đó, ở Phan Thiết trong thời gian này làng nào cũng có đình làng và chùa được xây dựng gần như cùng lúc với nhau như: đình Lạc Đạo, chùa Linh Thắng; đình Đức Nghĩa, chùa Liên Trì; đình Hưng Long, chùa Phật Quang; đình Tú Luông, chùa Long Sơn...

            Làng Tú Luông xưa (nay là phường Đức Long) rất nổi tiếng ở Phan Thiết, với dân cư làm ăn ổn định và xóm làng thịnh vượng. Sau khi làng xóm được định hình, kinh tế phồn thịnh thì người dân bắt đầu chú tâm xây dựng đình làng và chùa. Theo các tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ ở đình Tú Luông, chùa Long Sơn và trong các dòng họ tại làng Tú Luông thì đình Tú Luông khởi tạo vào đầu thế kỷ XIX và chùa Long Sơn được nhân dân làng Tú Luông tạo dựng vào năm Tự Đức nguyên niên (1848). Sau khi xây dựng xong chùa, hương chức và nhân dân trong làng thỉnh Hòa Thượng Như Hương về trụ trì. Hòa Thượng Như Hương sinh năm 1793, tịch năm 1888, thọ 85 tuổi. Xưa kia, cách chùa khoảng 200m (bến xe Nam ngày nay) cạnh sông Cà Ty có một ngôi bảo tháp được xây 3 tầng bằng vôi vữa, theo người dân địa phương đây là bảo tháp thờ Hòa Thượng Như Hương - vị sư trụ trì đầu tiên của chùa, nhưng do xây dựng bến xe ngôi tháp đã bị mất hẳn và đây cũng là vị trí xây dựng chùa Long Sơn đầu tiên.

           Năm 1890, Yết Ma Từ Quang kế vị trụ trì chùa; đến năm 1940 Yết Ma Chánh Nguyên được nhân dân làng Tú Luông cung thỉnh trụ trì chùa đến năm 1972. Thời gian gần đây, chùa do Đại Đức Tâm Thọ kế vị trụ trì và trông coi.
 
 
Điện thờ Phật ở Chính điện
 
           Chùa Long Sơn hiện nay tọa lạc bên hữu đình làng Tú Luông thuộc Phường Đức Long, thành phố Phan Thiết. Hướng chính của chùa nhìn về phía Tây Nam. Trong tổng thể kiến trúc, chùa được tạo dựng theo hình chữ Khẩu, gồm có 4 nóc chính: phía trước là Chính điện, phía sau cách khoảnh sân nhỏ là nhà Tổ, nối liền Chính điện và nhà Tổ ở hai bên là nhà Đông - Tây Lang.

            Trong nội thất Chính điện, gian giữa là Điện thờ Phật, tầng trên thờ Tam Thân Phật, tầng dưới là tượng Tây Phương Tam Thánh; bên tả thờ Ngọc Hoàng và Quan Thánh; bên hữu thờ Thánh Mẫu. Phía trước cạnh giá đặt chiêng và trống là bàn thờ Tiêu Diện Đại Sĩ. Bên trên Điện thờ Phật treo một bức hoành phi khắc dòng chữ Hán Nôm “Long Sơn Tự tạo vào năm Tự Đức thứ 6 (1852)”.

            Nhà thờ Tổ đặt thờ tượng Đạt Ma, chân dung Tổ Sư Hữu Đức và các long vị chư Hòa Thượng: Như Hương Viên Phong Hòa Thượng, Liễu Thiệt Trí Chất Hòa Thượng, Trừng Long Lương Thọ Đại Sư và Trừng Thiện Thể Hòa Đại Sư. Phía dưới cùng, thờ chân dung ngài Yết Ma Chánh Nguyên.

           Từ lúc tạo dựng đến nay, chùa Long Sơn trải qua hai lần trùng tu chính vào năm 1900 và 1992. Chùa Long Sơn với các hạng mục kiến trúc tương đối nhỏ hơn so với kiến trúc của các ngôi chùa khác cùng thời, tuy nhiên đây là ngôi chùa cổ còn bảo lưu đầy đủ các giá trị kiến trúc, lịch sử - văn hóa từ xưa đến nay. Các hạng mục kiến trúc đều được xây bằng vôi vữa cùng với ống ghè và trên mái lợp ngói âm dương. Bộ khung được lắp ghép theo dạng kiến trúc “tứ trụ” với 4 cột gỗ ở giữa chịu lực tạo nên cổ lầu và các cột phụ tỏa ra xung quanh tạo thành 4 mái bên dưới, với lối kiến trúc này đã tạo cho không gian nội thất thông thoáng, dễ bài trí cho việc thờ tự đối với một công trình kiến trúc tôn giáo. Các vì kèo, trính, cây xiên ngang được các nghệ nhân đương thời tạo dáng, gờ chỉ thành sáu cạnh và đầu khắc tạo đầu giao long duyên dáng; con đội tạo dáng bình hoa, dưới đế khắc tạo những vân xoắn hình mây nước tinh xảo. Tất cả các bộ phận, chi tiết được liên kết với nhau bằng hệ thống mộng gỗ, chốt gỗ để giữ cho bộ khung chăc chắn không bị xê dịch. Ngoài những giá trị về mặt kiến trúc, nơi đây còn lưu giữ nhiều di vật quý gắn với quá trình hình thành và phát triển của ngôi chùa trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân làng Tú Luông từ trước đến nay như: tượng thờ, đại hồng chung, câu đối, hoành phi... Đặc biệt, chùa còn giữ một pho tượng Đức Bổn Sư Thích Ca được làm bằng chất liệu đồng cao 1m – đây cũng là pho tượng cổ nhất của chùa, tượng Tiêu Diện Đại Sĩ rất cổ xưa được tạo tác bằng đất và một Đại hồng chung cao 1,5m được đúc vào năm Đinh Tỵ (1853).
 
 
Đại hồng chung và tượng Tiêu Diện Đại Sĩ có niên đại cổ xưa
 
            Hàng năm, vào các ngày 15/01, 15/4, 15/7, 15/10 Âm lịch tại chùa diễn ra các kỳ tế lễ lớn thu hút đông đảo tín đồ Phật tử và nhân dân địa phương đến viếng chùa và bái Phật cầu nguyện cho cuộc sống được bình an và no ấm.

            Ngày nay, trước tác động của nền kinh tế thị trường, sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại, nên đa phần các ngôi chùa ở Phan Thiết trong quá trình trùng tu đã làm mất dần đi những giá trị kiến trúc cổ nguyên gốc ban đầu khởi dựng; mà ở đó đã phản ánh đầy đủ những nét đặc trưng của lối kiến trúc dân gian tiêu biểu do các thế hệ cha ông trong buổi đầu khai mở đất tạo dựng nên. Chùa Long Sơn hiện nay, những hạng mục kiến trúc cổ đang trong tình trạng bị hư hỏng dần. Thiết nghĩ là những thế hệ con cháu đi sau kế tục thành quả của lớp người đi trước, chúng ta phải biết trân trọng, gìn giữ những giá trị kiến trúc dân gian tiêu biểu ấy, để nó mãi là niềm tự hào, vinh dự của thế hệ hôm nay và mai sau về những di sản văn hóa mang đậm nét dân gian trên quê hương mình.
                                               
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Chí Phú

Nguồn tin: Bảo tàng tỉnh Bình Thuận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thông Báo - Giấy Mời - Văn Bản

Hiện Vật Tiêu Biểu

  • Tên hình ảnh 1
  • Ảnh khai thác cổ vật
  • Tên hình ảnh 1
  • Tên hình ảnh 1
  • Chèo bả trạo
  • Lễ nghinh ông
  • Bình gốm
  • Đàn đá
  • Rìu đá
  • Vươn miện của vua và hoàng hậu

Thư Viện Video Clip

Văn hóa Chăm Pa

Văn hóa Chăm Pa

Đã xem: 3278
13/02/2017
Khai quật cổ vật

Khai quật cổ vật

Đã xem: 2720
13/02/2017

Liên Kết WebSite

Thống Kê Truy Cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 390

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 388


Hôm nayHôm nay : 80527

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1589262

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 37860031

Đường Đi