Tìm Kiến

Tìm kiếm chọn lọc

LỊCH SỬ VỀ CHÙA TỪ QUANG Ở PHAN THIẾT

Thứ năm - 27/02/2020 11:27
Trong quá trình di dân vào vùng đất phía Nam khẩn hoang và tạo lập cuộc sống mới, các thế hệ ông cha ta ngày trước đã mang theo phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống và trong đó có Phật giáo. Trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, giáo lý của Phật giáo dễ dàng thấm nhuần vào tâm thức của nhân dân lao động và được họ đón nhận nhanh chóng. Trên mảnh đất Bình Thuận, Phật giáo sớm được truyền bá rộng rãi và trở thành tôn giáo chính thống. Trong dòng người di cư có nhiều nhà sư thuộc nhiều tông phái khác nhau đã tìm đến những địa điểm thích hợp làm nơi tu hành và truyền đạo pháp.
Chính diện chùa Từ Quang đang được xây mới lại năm 2014 đến nay.

Chính diện chùa Từ Quang đang được xây mới lại năm 2014 đến nay.

Chùa chiền buổi đầu chỉ là những ngôi tiểu am đơn sơ ở những nơi thanh tịnh để làm nơi thiền định, truyền bá giáo lý nhà Phật cho cư dân; cũng là nơi để cầu an, chúc phúc, giúp đỡ lẫn nhau về mặt tinh thần.
Do các chúa Nguyễn rất sùng kính đạo Phật nên đã góp phần tạo điều kiện cho nhiều ngôi chùa cổ ra đời trên mảnh đất Phan Thiết - Bình Thuận như: chùa Phật Quang (chùa Cát) tạo dựng vào năm 1736, chùa Liên Trì (chùa Tre) xây dựng vào năm 1756, chùa Bửu Quang tạo dựng năm 1762, chùa Bửu Sơn xây dựng vào năm 1800... và trong đó chùa Từ Quang có niên đại khởi dựng tương đối sớm.
          Theo các cứ liệu lịch sử, di vật còn lưu giữ tại chùa cũng như lời kể của các vị sư trụ trì thì chùa Từ Quang tọa lạc ở đường Nguyễn Hội, phường Phú Trinh, thành phố Phan Thiết có lịch sử hình thành khá sớm so với các ngôi chùa khác trên vùng đất Phan Thiết. Chùa Từ Quang được tạo dựng vào những năm đầu thế kỷ XVIII và do Hòa Thượng Tế Trừng - đệ tử của Tổ Liễu Quán từ Phú Yên du hóa vào Bình Thuận khai sơn.
          Dựa vào bản gỗ in Bộ kinh Tam Bảo được khắc vào năm Cảnh Hưng thứ 30 (1769) của chùa Từ Quang hiện đang lưu giữ tại chùa Vạn Thiện có thể xác định khoảng thời gian khởi tạo dựng chùa Từ Quang và chư tổ khai sơn chùa. Đó là trong giai đoạn đầu khoảng năm bắt đầu tạo dựng chùa Từ Quang cho đến năm 1850 được truyền theo dòng Lâm Tế Liễu Quán; vị khai tổ là Hòa thượng Tế Trừng, kế vị là Hòa thượng Đại Kiên Bảo Châu, Đại Huệ Khánh Thông và đến năm 1742 là Hòa thượng Đạo Hoàn trụ trì. Chính Hòa thượng Đạo Hoàn là người khắc bản gỗ in Bộ kinh Tam Bảo dưới sự chứng minh của chư Hòa thượng Tế Trừng, Hòa thượng Đại Kiên và Hòa thượng Đại Huệ.
          Như vậy, từ lúc khởi dựng đến năm 1742 Hòa thượng Đạo Hoàn là đời thứ 4 trụ trì chùa Từ Quang, do đó có thể đón định niên đại khởi dựng chùa Từ Quang có thể trước hoặc chậm thì ở cùng thời điểm khởi dựng chùa Phật Quang là năm 1736. Nếu căn cứ vào niên đại tạo dựng vào những năm đầu thế kỷ XVIII thì chùa Từ Quang được xem là ngôi chùa cổ tạo dựng sớm nhất ở Phan Thiết ?.
          Theo lời kể của cố Đại đức Thích Phước Huệ trụ trì chùa: trước đây thuở mới khởi dựng chùa Từ Quang tọa lạc ở khu động giá ở khu vực gần trường Phan Bội Châu - Phan Thiết hiện nay. Sau đó, do hoàn cảnh chiến tranh tàn phá nên chùa dời về vị trí tọa lạc hiện nay. Trước năm 1975, khu vực phía sau trường Phan Bội Châu có hai ngôi bảo tháp rất cổ kính xây bằng vôi vữa, có thể những ngôi bảo tháp này của chư tổ chùa Từ Quang và sau năm 1975 hai ngôi bảo tháp này đã bị phá hủy.
          Hiện nay, tại chùa Từ Quang còn lưu giữ một đại hồng chung cao 1,2m, trên thân chuông có ghi: "Gia Định thành, Tân Bình phủ, Bình Dương huyện, Bình Trị tổng, Kỳ Định hương linh Quang Đường Thượng Tam thập bát Thế húy Đạo Trạm Định Ấn Hòa thượng, Bảo Long Tự húy Tánh Thọ Từ Ân Đại sư... tạo - Giáp Thân niên lục ngoạt, thập cửu nhựt". Quả chuông được Hòa thượng Đạo Trạm Định Ấn và đệ tử Đại sư Tánh Thọ Từ Ấn đúc năm Giáp Thân (1824) ngày 19 tháng 6 tặng cho chùa Từ Quang. Từ những di vật này cho thấy giai đoạn đầu thế kỷ XIX chùa Từ Quang có mối quan hệ truyền thừa với vùng đất Sài Gòn - Gia Định. Trong đó vị Hòa thượng Đạo Trạm, Đại sư Tánh Thọ là huynh đệ đồng môn của Hòa thượng Đạo Hoàn chùa Từ Quang.
          Vào khoảng năm 1900 Hòa thượng Thị Quang Huệ Minh trụ trị, sau đó kế thừa ngài Thị Quang là Đại sư Đồng Đắc. Đến năm 1959 sư Đồng Đắc tịch, Đại đức Thích Phước An thay thế và năm 1960 Đại đức Phước Huệ trụ trì. Đại đức Phước Huệ viên tịch năm 1999 và giao chùa lại cho Ban Hộ tự làng trông nôm. Hiện nay do Đại Đức Thích Tánh Hiệp trụ trì.
          Từ khi dời về vị trí hiện nay, chùa Từ Quang trải qua nhiều lần trùng tu, tu sửa lớn gồm: năm 1965 Đại đức Phước Huệ trùng tu Chính điện, năm 1986 xây nhà thờ cốt Phật tử, năm 1989 xây Quan Âm các và năm 2014 đến nay đang xây lại Chính điện. Tổng thể kiến trúc chùa hiện nay xây dựng bằng các vật liệu hiện đại, khang trang và đầy vẻ tôn nghiêm. Gồm có: Cổng chính, Quan Âm các, Chính điện, gian thờ cốt Phật tử và nhà Khách. Nội thất Chính điện chùa Từ Quang trước đây bài trí thờ theo lối "tiền Phật - hậu Tổ": ở gian giữa thờ tượng Đức Bổn Sư Thích Ca, hai bên tả - hữu thờ Bồ Tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Đối diện là bàn thờ Tiêu Diện và Hộ Pháp. Phía sau Chính điện là gian đặt bàn thờ Tổ thờ tượng Bồ Đề Đạt Ma và long vị của của Đại đức Phước Huệ.
          Chùa Từ Quang ngoài chức năng thờ Phật, thể hiện nhu cầu tôn giáo tín ngưỡng tâm linh của Phật tử, những di vật cổ còn lưu giữ tại chùa là nguồn sử liệu quý góp phần nghiên cứu lịch sử hình thành, phát triển của Phật giáo trên vùng đất Phan Thiết nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung. Từ thuở tạo lập đến nay, chùa là nơi gởi gắm niềm tin, nơi sinh hoạt tôn giáo, tâm linh quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương, là nơi giáo hóa con người tìm về cái chân - thiện - mỹ trong cuộc sống./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Chí Phú

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thông Báo - Giấy Mời - Văn Bản

Hiện Vật Tiêu Biểu

  • Tên hình ảnh 1
  • Ảnh khai thác cổ vật
  • Tên hình ảnh 1
  • Tên hình ảnh 1
  • Chèo bả trạo
  • Lễ nghinh ông
  • Bình gốm
  • Đàn đá
  • Rìu đá
  • Vươn miện của vua và hoàng hậu

Thư Viện Video Clip

Văn hóa Chăm Pa

Văn hóa Chăm Pa

Đã xem: 3244
13/02/2017
Khai quật cổ vật

Khai quật cổ vật

Đã xem: 2697
13/02/2017

Liên Kết WebSite

Thống Kê Truy Cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 544

Máy chủ tìm kiếm : 6

Khách viếng thăm : 538


Hôm nayHôm nay : 97438

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2724824

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 35948595

Đường Đi