Khám phá các loại hình bảo tàng tại thành phố Phan Thiết. - Bảo tàng Bình Thuận

Khi đến du lịch Phan Thiết, ngoài việc thưởng thức ẩm thực xứ biển, tìm hiểu các địa danh nổi tiếng gắn liền với lịch sử hình thành vùng đất Phan Thiết như: Mũi Né, Kê Gà, Lầu Ông Hoàng… Để khám phá hết những nét độc đáo, đặc trưng văn hoá của vùng đất, con người xứ Phan, bạn nhất định phải ghé tham quan, trải nghiệm thực tế tại các bảo tàng của vùng đất được gọi tên “Biển xanh, cát trắng, nắng vàng”.

 

Bảo tàng tỉnh Bình Thuận

Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận

Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận thuộc hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh trong cả nước, là nơi lưu giữ, trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bảo tàng được khánh thành vào ngày 19/5/1986, nhân kỷ niệm 96 năm Ngày sinh nhật Bác Hồ. Bảo tàng nằm bên dòng sông Cà Ty hiền hoà, thơ mộng, là tổng thể các công trình lịch sử, văn hoá và Khu di tích Trường Dục Thanh – nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) dừng chân dạy học vào năm 1910 trước khi Người vào Bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Bảo tàng mở cửa vào tất cả các ngày trong tuần. Địa chỉ: số 39 – Trưng Nhị – Phan Thiết.

Bảo tàng tỉnh Bình Thuận
     Bảo tàng tỉnh Bình Thuận tọa lạc tại số 04 – Bà Triệu – Phan Thiết. Bảo tàng mở cửa vào tất cả các ngày trong tuần. Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh Bình Thuận mở cửa đoán khách tham quan từ năm 2016. Đây là nơi trưng bày 7 chuyên đề cổ vật gồm:
Chuyên đề văn hoá Đa Kai: Là nền văn hoá thuộc hậu kỳ thời đại đồ đá mới, niên đại cách ngày nay trên 300 năm, đến với không gian trưng bày quý khách sẽ được khám phá, chiêm ngưỡng bộ đàn đá cổ cách nay 3000 năm và nhiều công cụ lao động độc đáo khác.
Chuyên đề văn hoá khảo cổ học Sa Huỳnh: Gian trưng bày phản ánh một cách toàn diện về các di vật, cổ vật đặc trưng nhất của nền văn hoá thời đại kim khí cách ngày nay trên 2500 năm, với những chum táng, ẩn chứa nhiều giá trị về lịch sử văn hoá cần khám phá, hay những bộ trang sức đặc biệt quý hiếm được chế tác tinh xảo với nhiều chất liệu khác nhau.
Chuyên đề văn hoá Chăm: Được trưng bày với không gian rất độc đáo, nơi các cổ vật Champa từ thế kỷ VII đến thể kỷ XVII được thể hiện sống động, nhất là tượng các vị thần trong văn hoá Chăm.

Chuyên đề văn hoá các dân tộc thiểu số: Phản ánh khái quát về đời sống văn hoá, lao động sản xuất của các tộc người tại chỗ trên địa bàn tỉnh.
Chuyên đề văn hoá Việt: Giới thiệu những nét đặc sắc về văn hoá của người Bình Thuận xưa và nay, được tái hiện sinh động qua không gian trưng bày.
Chuyên đề sưu tập cổ vật trục vớt từ các con tàu đắm tại vùng biển Bình Thuận và Cà Mau: Những bộ sưu tập cổ vật gốm sứ có niên đại từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII.

Phòng trưng bày cổ vật tàu đắm
Chuyên đề trưng bày ngoài trời: Với những hiện vật có thể khối lớn như: Chiếc máy bay A37, bia đài, tượng Kút.

Không gian trưng bày ngoài trời

Đây là loại hình bảo tàng ngoài công lập đầu tiên tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận được cấp phép hoạt động năm 2019. Không gian trưng bày của Bảo tàng khá hiện đại, mới lạ, tái hiện sống động lịch sử hình thành Làng Chài Phan Thiết xưa cách nay hơn 300 năm, gắn liền với nghề làm nước mắm truyền thống của người dân Phan Thiết.
Điểm đặc trưng và mới lạ của bảo tàng, quý khách được hoá vai thành những ngư dân làng chài lưới, diêm dân làm việc trên cánh đồng muối trắng, được dừng chân khám phá nhà Hàm hộ xưa, nghe thuyết minh viên kể chuyện nguồn gốc, quy trình chế biến nước mắm truyền thống xứ Phan nức tiếng thơm ngon không chỉ trong vùng, mà vươn xa đến Nam Kỳ Lục tỉnh hưng thịnh một thời.
Kết thúc hành trình tham quan quý khách sẽ dừng chân tại quầy hang lưu niệm thưởng thức đặc sản Phan Thiết, mua nước mắm tĩn với công thức chế biến theo lối thủ công truyền thống cách nay 300 năm.
Bảo tàng toạ lạc tại: số 360 – Nguyễn Thông – Phan Thiết; thời gian mở cửa từ 9h đến 18h hằng ngày.

Bảo tàng nước mắm Làng Chài xưa

Một góc khám phá của bảo tàng

Đến với hệ thống bảo tàng, điểm trưng bày tại Phan Thiết, du khách sẽ thích thú khám phá những tinh hoa di sản văn hoá biển, tài liệu, hiên vât, cổ vật. Mỗi hiện vật, cổ vật trưng bày tại các bảo tàng ẩn chứa những “ngôn ngữ” đặc biệt mà người xem cảm nhận được từ những giá trị tinh hoa của chúng, như tấm gương phản chiếu những hào quang từ quá khứ vào đời sống đương đại. Với tình yêu quý khách dành cho vùng đất Phan Thiết, đặc biệt là tình cảm và sự trân quý di sản văn hoá, khi đến khám phá các bảo tàng, những hiện vật trưng bày không phải là những tài liệu, hiện vật khô cứng mà ở đó đều có ngôn ngữ riêng, hàm chứa những giá trị văn hoá sâu sắc, phản ánh đời sống phát triển đi lên của xã hội.

Tác giả bài viết: Võ Cáp – Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng

Nguồn tin: Bảo tàng tỉnh Bình Thuận

By admin