KHAI MẠC LỚP TRUYỀN DẠY KỸ THUẬT ĐAN LÁT TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI CỜHO XÃ ĐÔNG TIẾN, HUYỆN HÀM THUẬN BẮC - Bảo tàng Bình Thuận
KHAI MẠC LỚP TRUYỀN DẠY KỸ THUẬT ĐAN LÁT TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI CỜHO XÃ ĐÔNG TIẾN, HUYỆN HÀM THUẬN BẮC
Thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Sáng ngày 02/5/2024 Bảo tàng tỉnh Bình Thuận phối hợp với UBND xã Đông Tiến tổ chức Lớp truyền dạy kỹ thuật đan lát truyền thống của người Cờho tại địa phương. Lớp truyền dạy diễn ra trong 10 ngày tại Nhà Văn hóa xã Đông Tiến. Tham dự buổi khai mạc có ông Trần Xuân Phong – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, Phó trưởng Ban Tổ chức Lớp truyền dạy; bà K’ Thị M Hảo – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Tiến – Phó trưởng Ban Tổ chức Lớp truyền dạy, các nghệ nhân truyền dạy và 20 học viên người Cờho địa phương.
Toàn cảnh buổi khai mạc Lớp truyền dạy kỹ thuật đan lát của người Cờho xã Đông Tiến
  Toàn cảnh buổi khai mạc Lớp truyền dạy kỹ thuật đan lát của người Cờho xã Đông Tiến
Tại buổi khai mạc, ông Trần Xuân Phong – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh phát biểu trao đổi với các nghệ nhân và học viên về mục đích, ý nghĩa của Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Dự án ra đời như một giải pháp tích cực giúp cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả.

 

 

Ông Trần Xuân Phong – PGĐ Bảo tàng tỉnh Bình Thuận,Phó Trưởng ban tổ chức Lớp học phát biểu kha
Thông qua lớp học sẽ khơi dậy ý thức, tinh thần trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn, trao truyền, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, trong đó có nghề thủ công truyền thống của ông bà lưu truyền lại.
Về phía UBND xã Đông Tiến, bà K’ Thị M Hảo – Phó Chủ tịch UBND xã cũng mong muốn các nghệ nhân phải tận tâm, nhiệt tình, hết mình trong việc hướng dẫn, truyền dạy cho học viên nắm bắt các kỹ năng từ khai thác, chọn vật liệu, kỹ thuật làm nan, đan và hoàn thiện sản phẩm,… Đồng thời nhắc nhở học viên tham gia Lớp truyền dạy, cần chấp hành tốt nội quy, giờ giấc học tập, nỗ lực hết sức, cố gắng tiếp thu, học hỏi và nắm bắt tốt các kỹ năng, kỹ thuật đan lát do các nghệ nhân truyền dạy. Lãnh đạo xã cho rằng đan lát là một nghề thủ công truyền thống đóng vai trò quan trọng, gắn liền với tập quán sản xuất lâu đời của người Cờho ở địa phương. Các sản phẩm đan lát ở đây khá phong phú và đa dạng, bao gồm các loại vật dụng phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày như gùi, nia, thúng, rổ… được tạo ra từ các loại vật liệu khác nhau, dễ sử dụng và thân thiện với môi trường như mây, tre, nứa,… và dễ dàng khai thác được trong rừng gần nơi cư trú. Chính vì vậy xưa kia, trong cộng đồng người Cờho xã Đông Tiến cả đàn ông, đàn bà đều thành thạo nghề đan lát và đều có khả năng tạo nên những sản phẩm bền đẹp phục vụ sinh hoạt trong các gia đình.
Bà K’ Thị M Hảo - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Tiến phát biểu
                                Bà K’ Thị M Hảo – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Tiến phát biểu
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chủ trương chính sách trong đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nhờ vậy hiện nay đời sống của họ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Khi cuộc sống dần thay đổi thì ngoài việc xây dựng nhà cửa khang trang, thì người dân địa phương đã có điều kiện mua sắm các vật dụng hiện đại, tiện lợi dùng trong sinh hoạt và sản xuất. Vì vậy, những sản phẩm đan lát truyền thống như gùi, nia, nơm, rổ, thúng… gần như được thay thế bằng các vật dụng khác dễ tìm và dễ mua. Những sản phẩm đan lát dần trở nên mờ nhạt trong đời sống, đặc biệt ở giới trẻ. Họ gần như không còn mặn mà với nghề đan lát truyền thống của ông bà tổ tiên đã tồn tại từ bao đời nay. Những nghệ nhân lớn tuổi ít quan tâm đến việc truyền nghề cho thế hệ con cháu. Từ thực trạng đó đã làm cho nghề đan lát của đồng bào Cờho ngày càng mai một và đứng trước nguy cơ mất đi trong thời gian không xa. Đại diện lãnh đạo địa phương mong rằng sau lớp truyền dạy này, các nghệ nhân và học viên sẽ duy trì thường xuyên việc trao truyền nghề đan lát truyền thống của đồng bào, làm sao để những sản phẩm đan lát thủ công được sử dụng rộng rãi và lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng. Có như vậy thì nghề đan lát truyền thống của ông bà mới không bị lãng quên, tồn tại và phát triển bền vững./.

Một số hình ảnh lớp học lớp truyền dạy kỹ thuật đan lát của người Cờho xã Đông Tiến

Một số hình ảnh lớp học lớp truyền dạy kỹ thuật đan lát của người Cờho xã Đông Tiến
Một số hình ảnh lớp học lớp truyền dạy kỹ thuật đan lát của người Cờho xã Đông Tiến