Tháng năm nhớ bác, suy nghĩ về câu nói: "Miền nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi" - Bảo tàng Bình Thuận

Khu di tích Trường Dục Thanh

Trong những ngày tháng năm lịch sử, cả đất nước đang hướng đến kỷ niệm mừng sinh nhật Bác (19/5), thì trong lòng mỗi người dân Việt Nam lại trào dâng thêm nỗi niềm nhớ Bác, nhớ về một người Cha, người Thầy đã dành cả cuộc đời mình chiến đấu kiên cường với một niềm tin duy nhất: Đất nước được độc lập, Bắc – Nam sum họp một nhà.

Trong tình thương yêu vô hạn đối với đồng bào cả nước, hình ảnh miền Nam luôn nằm trong nỗi nhớ khôn nguôi của Bác và Người dành cho miền Nam những tình cảm thân thương nhất. Miền Nam tuy xa xôi cách trở nhưng lòng Bác luôn ở cạnh đồng bào, Người theo sát từng bước cuộc đấu tranh đầy hy sinh gian khổ và chia sẻ với nhân dân miền Nam những đau thương mất mát. Và đáp lại tình thương yêu vô bờ bến đó, hình ảnh Bác Hồ luôn là nỗi nhớ mong tha thiết trong lòng đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
           “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà
           Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha…”

Tình cảm máu thịt, sâu sắc của Bác Hồ với miền Nam và của đồng bào miền Nam với Bác Hồ đã trở thành sức mạnh bền lâu trong suốt cuộc trường chinh giải phóng dân tộc. Tình cảm ấy như “chất men” xúc tác tạo thành một trong những nhân tố quyết định làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 – giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Người.

Sinh thời, Bác Hồ thường nói: “Quê mình ở Nam Đàn, Nghệ An, nhưng mẹ mình mất ở Huế, cha mình mất ở Cao Lãnh. Quê mình trải dài đất nước. Ở những nơi như Phan Thiết, Sài Gòn… trước lúc ra nước ngoài, mình đã từng sống và từng đi đến nơi. Nhưng nay về nước đã bao nǎm rồi, mà mình vẫn chưa về đến chốn…”

Tấm lòng thương nhớ miền Nam của Người thể hiện từ việc chǎm sóc các cháu thiếu nhi miền Nam tập kết, đến việc vun trồng cây vú sữa của đồng bào miền Nam kính tặng Người. Hằng ngày ngồi làm việc, Bác vẫn nhìn thấy cây vú sữa, như nhìn thấy hình ảnh của đồng bào miền Nam. Từ ngày đất nước được giải phóng, có biết bao đồng bào, đồng chí miền Nam ra thǎm miền Bắc, được vào thǎm nơi ở và làm việc của Bác, đứng lặng hồi lâu bên cây vú sữa mà nghĩ suy về tình thương bao la của Bác.

Bác Hồ chăm sóc cây vú sữa của đồng bào miền Nam tặng năm 1955

Miền Nam còn trong máu lửa không một phút nào Bác không nghĩ đến miền Nam! Bác mong được vào miền Nam để thăm đồng bào và chiến sĩ, tháng 9-1954, trong thư gửi bộ đội, cán bộ và gia đình cán bộ miền Nam ra Bắc, Người viết: “Đến ngày hoà bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập, dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta”… và ước mong đó luôn thường trực trong tâm trí của Người chưa lúc nào nguôi. Tháng 2 năm 1966, tại ngôi Nhà sàn ở Phủ Chủ tịch, Bác nói với các đồng chí trong Bộ Chính trị: “Đã bao lần tôi yêu cầu vào Nam, sao các chú không thu xếp cho tôi đi?… Sao các chú không để tôi đi… Bây giờ tôi còn đang khoẻ, đi lại thuận tiện… Không vào Nam bộ được thì vào Khu V hay một vùng giải phóng nào đó cũng được… Các chú định lúc nào mới cho tôi đi? Tôi đề nghị mãi mà các chú vẫn cứ từ chối!”.

Chính vì chưa một lần vào thăm đồng bào, cán bộ và chiến sĩ miền Nam, nên khi có các đoàn đại biểu của miền Nam ra Bắc dù là đi công tác, đi họp, học tập hay chữa bệnh, các đồng chí đều sắp xếp để Bác gặp. Người ân cần thăm hỏi, tiếp đón các anh hùng dũng sĩ, các cháu thiếu niên nhi đồng từ miền Nam ra thăm miền Bắc. Ngày 20/12/1962, Bác vui mừng được gặp Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam do giáo sư Nguyễn Vǎn Hiếu dẫn đầu.  Bác rất xúc động, Người liền đặt bàn tay lên ngực trái và nói: “Bác không có gì để tặng đồng bào miền Nam cả, chỉ có cái này: hình ảnh miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi” và Bác ôm hôn thắm thiết đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, như ôm trọn cả đồng bào miền Nam ruột thịt vào lòng.

Một buổi chiều nǎm 1965, Bác gặp đoàn Anh hùng dũng sĩ miền Nam, vừa thấy Bác, cả đoàn reo lên vì sung sướng, cảm động và vây quanh Bác như những người con đi xa lâu ngày về quây quần bên cha. Bác xúc động nói: Bác mong các cháu lắm, Bác nhớ đồng bào miền Nam lắm, Bác mong mau giải phóng để Bác vào miền Nam. Bác sẽ ghé lại Huế thăm bà con bạn hữu và thăm nơi ở xưa. Mẹ Bác hồi đó mất ở Huế. Rồi Bác vào Sài gòn, nơi hồi thanh niên nghèo lưu lạc, Bác phải đi làm bồi để sang Pháp. Bác sẽ về Cao Lãnh để thăm mộ Ông cụ thân sinh.

Ở cạnh nhà Bác có một khóm hoa phong lan, mỗi buổi chiều Bác vẫn thường ra tưới. Nǎm 1968, Bác gặp ba nữ đồng chí ở tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh và Quảng Trị, ba đồng chí được chụp ảnh kỷ niệm với Bác. Để đồng chí nào cũng được gần Bác, Bác cho mỗi đồng chí được đứng cạnh Bác một lần. Chụp ảnh xong, Bác tặng mỗi đồng chí một cành hoa phong lan và nói:“Các cháu trở về trong ấy nói với bà con mình Bác gửi lời thăm”.

Đối với các cháu thiếu nhi miền Nam, Bác dành cả tình thương của mình cho các cháu. Cuối năm 1968, trong lần Bác tiếp các dũng sĩ miền Nam, cảm động biết bao khi gặp các cháu, Bác hỏi: “Thằng Mỹ to các cháu có sợ không?” Các cháu thưa: “Chúng cháu cũng như đồng bào ở trong đó không hề sợ lính Mỹ, cũng không sợ gian khổ, không sợ chết mà chỉ sợ một điều: “Chúng cháu chỉ sợ bị mù cả hai con mắt, đến ngày thống nhất không được nhìn thấy Bác”. Vừa nghe trả lời xong, Bác đã khóc, Bác khóc vì thương các cháu, thương đồng bào miền Nam, mong hoài mà chưa một lần được gặp Bác.

Mỗi ngày miền Nam chưa được giải phóng, Bác xem là mình chưa làm tròn nhiệm vụ của một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân. Bởi vậy, khi được tin kỳ họp thứ VI, Quốc hội khoá II (5/1963) quyết định tặng Bác Huân chương Sao Vàng – Huân chương cao quý nhất của nước ta, Bác đã từ chối và nói: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoà bình thống nhất, Bắc – Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”. 

Nhân dịp kỷ niệm 50 nǎm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, Đảng, Chính phủ Liên Xô quyết định trao tặng Bác Huân chương Lê-nin – Huân chương cao quý nhất của Liên Xô, Bác cũng đề nghị: Đảng, Chính phủ Liên Xô hoãn việc trao Huân chương đó, chờ đến ngày đất nước ta hoàn toàn độc lập, Bác thay mặt đồng bào cả nước nhận Huân chương cao quý đó.

Lúc nào Bác cũng nhớ đến miền Nam, cho đến khi từ giã thế giới này, trái tim Người vẫn đau đáu nỗi nhớ miền Nam, trên lồng ngực Người vẫn chỉ có chiếc áo kaki bạc màu vì sương gió mà không hề có một tấm huy chương! Người Việt Nam chúng ta và loài người tiến bộ trên thế giới đều hiểu rằng: Hồ Chí Minh xứng đáng với một tấm huân chương duy nhất, tấm huân chương cao quý mang tên giản dị và trường tồn cùng dân tộc là Huân chương nhân dân.

Trong những năm cuối đời, Bác thấy sức khỏe có giảm sút, Bác tập đi bộ, tập leo núi với ý định vào thăm đồng bào miền Nam. Người đã nêu ý kiến đó với Bộ Chính trị và đề nghị thu xếp cho Bác vào thăm miền Nam. Nhưng thấy Bác tuổi cao sức yếu, đường đi lại vất vả, các đồng chí đề nghị để thắng Mỹ, giải phóng miềm Nam rồi mời Bác vào, Bác nói: “Nếu không có đường nào khác thì tổ chức cho tôi đi bộ. Các chú đi được thì tôi đi được. Đi mỗi ngày một ít. Chưa chắc thua các chú đâu”. Trong bức thư gửi đồng chí Lê Duẩn ngày 10/3/1968, Bác viết: “Nhớ lại hồi Nô-en nǎm ngoái, chú có ý khuyên Bác đi thǎm miền nam sau ngày ta giành thắng lợi hoàn toàn, Bác rất tán thành. Nhưng nay chỉ đổi chữ “sau” thành chữ “trước” ngày thắng lợi hoàn toàn, tức là đi thǎm khi anh em trỏng đang chuẩn bị mở màn thứ 3. Đi thǎm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em…”. Vì miền Nam, Người không hề nghĩ đến tuổi cao, sức yếu, trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bác Hồ vẫn luôn theo dõi tình hình miền Nam, những ngày nằm trên giường bệnh, sau mỗi cơn mệt nặng, khi tỉnh, câu hỏi đầu tiên của Bác là “Hôm nay đồng bào miền Nam đã thắng đến đâu?”. Trước lúc đi xa, Bác vẫn yêu cầu cho Bác nhắp một chút nước dừa của miền Nam. Tình thương yêu của Bác đối với miền Nam bao trùm lên tất cả, không một phút nào là Bác không nghĩ đến miền Nam, Người theo dõi từng bước đi của cách mạng miền Nam. Và khi từ biệt thế giới này, Bác cũng mang theo mình hơi ấm của miền Nam.

Tấm lòng của nhân dân miền Nam đối với Bác cũng mênh mông vô bờ bến. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hình ảnh và lời nói của Bác chính là sự động viên sâu sắc đối với quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khi Bác mất, rất nhiều bàn thờ được đặt ngay giữa vùng địch tạm chiếm để truy điệu Bác, nhiều đền thờ do nhân dân xây dựng ngay trong lòng địch như đền thờ ở xã Long Đức tỉnh Trà Vinh, ở xã Viên An, huyện Ngọc Hiển – Cà Mau… Mặc cho sự khủng bố của kẽ thù, chúng đốt đền, đồng bào xây lại, cuối cùng kẻ địch phải bất lực trước tình cảm thiêng liêng của đồng bào đối với Bác.

Với nhân dân Bình Thuận, kể từ khi Người rời trường Dục Thanh ra đi tìm đường cứu nước, dù chưa một lần được đón Bác vào thăm, nhưng từ lâu hình ảnh thầy giáo Nguyễn Tất Thành, Bác Hồ kính yêu đã khắc sâu trong mỗi trái tim và khối óc của người dân nơi đây. Vì vậy, sau khi nghe tin Bác qua đời, với niềm thương tiếc vô hạn, quân dân Bình Thuận đã biến đau thương thành hành động cách mạng, vẫn bí mật làm lễ truy điệu, lập bài vị thờ Bác. Bất chất sự đàn áp tàn bạo của kẻ thù, nhân dân Bình Thuận vẫn kiên cường bám trụ rào làng chiến đấu, một lòng sắc son đi theo con đường mà Bác đã chọn. Trước giờ xuất quân, tất cả các chiến sĩ đều tuyên thệ trước ảnh Bác: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trước mũi súng của kẻ thù nhiều chiến sĩ đã chọn sự hy sinh cao đẹp chứ quyết định không chịu xé ảnh Bác. Đồng bào các dân tộc Bình Thuận, trong suốt hai cuộc kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn vững vàng, kiên trung, trung thành với Đảng và Bác Hồ, ra sức xây dựng căn cứ và chiến đấu giành nhiều chiến công oanh liệt, tô đậm dấu son truyền thống bằng “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang”. Có thể nói, trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy khó khăn và thử thách, hình ảnh Bác Hồ chính là niềm động viên, khích lệ to lớn để quân và dân Bình Thuận lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần giải phóng quê hương, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Sau ngày quê hương giải phóng, đất nước vừa mới thống nhất trước bao bộn bề, phức tạp cần giải quyết. Nhưng Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thuận Hải nay là tỉnh Bình Thuận quyết tâm tập trung công sức và trí tuệ trùng tu, phục chế Khu di tích Trường Dục Thanh (nơi Bác Hồ dạy học tháng 9 năm 1910 đến tháng 2 năm 1911) và tiếp tục xây dựng công trình Nhà trưng bày về tiểu sử và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để rồi ngày ngày đón khách từ mọi miền đất nước về thăm lại ngôi trường xưa nơi Bác dạy học hay vào những ngày lễ, những thời khắc giao thừa thiêng liêng của năm mới, các thế hệ con cháu và nhân dân Bình Thuận lại quây quần về đây thắp nén hương thơm trên bàn thờ Bác với tất cả tấm lòng thành kính, yêu thương và biết ơn vô hạn đối với lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh.

Khu di tích Trường Dục Thanh – Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Bình Thuận là nơi hội tụ tình cảm, trái tim của đồng bào, chiến sĩ và nhân dân Bình Thuận nói riêng, miềm Nam nói chung luôn hướng về Bác. Một người dân sau khi tham quan trường xưa Bác dạy đã viết trong sổ lưu niệm: “Tôi đã đi thăm viện Bảo tàng Hồ Chí Minh ở nhiều nơi, đã về quê Bác Hồ, vậy mà khi thăm trường Dục Thanh, tôi đã không thể nào ngăn nổi niềm xúc động. Qua những hình ảnh, hiện vật cùng cách trưng bày, nó chứng tỏ sự dày công và tình cảm tha thiết của
nhân dân Bình Thuận với Bác”./.

Tác giả bài viết: Văn Quỳ

By admin