Tổ hợp trưng bày cổ vật tàu đắm
Trên vùng biển Bình Thuận từ xưa đã là ngư trường chính của ngư dân làm ăn qua nghề đánh bắt hải sản trên biển nhiều thế kỷ qua. Cũng trên vùng biển bao la này, những thế kỷ trước là con đường hàng hải lưu thông tàu bè của các nước đi qua khu vực này. Trong đó, giữa nước ta với các nước đã hình thành nên con đường “tơ lụa” trên biển tấp nập tàu bè qua lại.
Công tác chuẩn bị trước khi lặn trục vớt cổ vật (Ảnh: Vương Khả Hoàng)
Trong gần 20 năm qua, trên vùng biển Cà Mau và Bình Thuận, ngư dân Bình Thuận đã tình cờ phát hiện nhiều con tàu cổ bị đắm, trong mỗi con tàu đắm chứa hàng nghìn cổ vật là đồ gốm sứ có niên đại từ thời Minh, thời Thanh của Trung Quốc và có cả gốm sứ của Thái Lan và một số nước khác. Từ những phát hiện tình cờ ấy của ngư dân Bình Thuận, các cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước đã được thực hiện, hướng dẫn trục vớt bởi các chuyên gia khảo cổ học trong nước và thu được hàng chục nghìn cổ vật từ những con tàu đắm. Những sưu tập cổ vật gốm sứ đó có giá trị về kinh tế, văn hóa và những giá trị khác; trong đó một số cổ vật đã được bán đấu giá tại Australia và Hà Lan.
Cổ vật trưng bày trong phiên bán đấu giá năm 2007 tại Hà Lan (Ảnh: Nguyễn Xuân Lý)
Qua các sưu tập cổ vật đang trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Bình Thuận được trục vớt từ các con tàu đắm tại vùng biển Bình Thuận, Cà Mau cho chúng ta hình dung ra được con đường buôn bán tấp nập trên vùng biển Bình Thuận của nhiều thế kỷ trước.
Kết quả bán đấu giá cuối cùng của một lô cổ vật (Ảnh: Nguyễn Xuân Lý)
Tác giả bài viết: Phòng Trưng bày – Thuyết minh