Về quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt - Bảo tàng Bình Thuận
Tác giả: TS. Nguyễn Thị Kiều Trang; NXB: Chính trị quốc gia – Sự thật; Khổ sách: 14,5 cm x 20,5 cm; Số lượng: 483 tr; Năm: 2016.
Trong thời kỳ phong kiến, một trong những cơ sở chủ yếu để xây dựng quan hệ giữa các vương triều phong kiến Việt Nam và Trung Quốc là hoạt động “sách phong” và triều cống. Lịch sử cho thấy, để giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì quan hệ hòa hiếu với nước láng giếng rộng lớn như Trung Quốc, các vua Đại Việt đã lựa chọn đường lối đối ngoại mềm dẻo, “lấy nhu, thắng cương”, giả danh “ thần phục”, “trong thì xưng đế, ngoài thì xưng vương” – coi đây là kế sách lâu dài để thoát khỏi những phong bế của Trung Quốc, từ đó dồn trí lực xây dựng, kiến tạo một nước Việt Nam của riêng mình. Trong khi đó, các vương triều phong kiến Trung Quốc cũng chấp nhận việc cầu phong của phía Việt Nam vì, một mặt, đó là phương tiện giao hảo, duy trì không để quan hệ giữa hai nước bị cắt đứt; mặt khác, nhằm cốt giữ lấy quan hệ giữa “thiên triều” Trung Hoa với các nước láng giềng như Việt Nam như một nhu cầu thiết thân về cả lợi ích chính trị lẫn lợi ích kinh tế.

Cuốn sách “Về quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt” sẽ giúp độc giả hiểu sâu sắc thêm về một lát cắt lịch sử phong kiến dân tộc diễn ra trong gần ba thế kỷ (từ khoảng nửa sau thế kỷ XIV đến nửa đầu thế kỷ XVII) thông qua việc tập trung nghiên cứu quan hệ sách phong, triều cống giữa nhà Minh và các vương triều phong kiến Đại Việt. Nội dung cuốn sách còn đúc kết những nét cơ bản trong văn hóa ứng xử đối với nước lớn mà ông cha ta để lại.
Sách gồm 4 phần chính:

Phần I. Cơ sở của quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt.
Phần II. Quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt giai đoạn 1368-1527.
Phần III. Quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt giai đoạn 1527-1644.
Phần IV. Một số nhận xét về quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt.
Thư viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 25 Tông Đản – Hoàn Kiếm – Hà Nội) xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Phạm Trang Nhung (Phòng Tư liệu – Thư viện)

By admin