Tìm Kiến

Tìm kiếm chọn lọc

ĐÔI NÉT VỀ DIỄN XƯỚNG HÁT BỘI TRONG LỄ HỘI CẦU NGƯ TẠI LĂNG ÔNG NAM HẢI XÃ BÌNH THẠNH HUYỆN TUY PHONG

Thứ ba - 30/05/2017 04:47
ĐÔI NÉT VỀ DIỄN XƯỚNG HÁT BỘI TRONG LỄ HỘI CẦU NGƯ TẠI LĂNG ÔNG NAM HẢI XÃ BÌNH THẠNH
Trưởng đoàn hát Bội và diễn viên thực hiện nghi thức khai diên hát Bội

Trưởng đoàn hát Bội và diễn viên thực hiện nghi thức khai diên hát Bội

          Hát Bội là một loại hình diễn xướng nghệ thuật dân gian có từ lâu đời ở các tỉnh duyên hải ven biển miền Trung, nó thường được diễn xướng vào các dịp lễ hội dân gian truyền thống hàng năm tại các đình làng và các lăng vạn. Hát Bội thường diễn xướng các tuồng tích cổ gắn liền với lịch sử dựng và giữ nước, quá trình lao động và đấu tranh xây dựng quê hương đất nước.

         Ở lăng Ông Nam Hải xã Bình Thạnh, vào dịp lễ hội Cầu ngư chính mùa hàng năm thường có tổ chức hát Bội tại Võ ca, đây là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, hấp dẫn và thu hút được đông đảo người dân lao động biển địa phương mong mỏi và hưởng ứng, góp phần giáo dục và khơi dậy tình yêu quê hương đất nước cũng như truyền thống lao động và đấu tranh của các thế hệ ông cha đi trước cho các thế hệ đương thời và nhất là lớp trẻ.

         Theo tập tục, trước khi đoàn hát Bội diễn xướng tại vạn, Ban nghi lễ phải tiến hành nghi thức trình báo và xin phép Ông Nam Hải để khai diên hát Bội. Đến giờ hành lễ, sau ba hồi chiêng, trống, ông Trưởng lăng và Chánh tế đốt mỗi người 3 nén nhang quỳ bái 3 bái và khấn báo trước khám thờ Ông Nam Hải ở Chính điện. Trước khám thờ đã bày sẵn một khay lễ vật gồm hương đèn, trầu cau, hoa quả, vàng mã, rượu trà và 2 chiếc dùi đánh trống. Trưởng lăng làm nghi thức dâng rượu lên khám thờ Ông Nam Hải 3 lần (mỗi lần dâng phải quỳ bái 3 bái), sau đó ông trịnh trọng hai tay nâng chiếc dùi trống trước khám Ông Nam Hải xin phép được khai diên hát Bội.

         Làm nghi thức khấn bái Ông Nam Hải xong, ông Trưởng lăng bưng khay lễ vật đến sân khấu nhà Võ ca, tiếp tục dâng hương, cầu khấn và dâng 3 tuần rượu lên khay lễ rồi quỳ bái 3 bái. Kế đó, ông Chánh tế lên khay lễ lấy chiếc dùi trống rồi tiến đến tháo mảnh vải đỏ bọc mặt trống đặt sẵn trên sân khấu ra đánh 3 hồi trống để khai diên hát Bội.
        Hồi thứ nhất gọi là nhất tác viết thiêng và hô: Phong hòa vũ thuận
        Hồi thứ hai gọi là nhị tác viết địa và hô: Quốc thái dân an
        Hồi thứ ba gọi là tam tác viết nhân và hô: Bá tánh ngư dân tài hoa lộc tấn.

         Sau khi ông Chánh bái đánh xong 3 hồi trống, ông Trưởng lăng tiếp tục lên sân khấu đánh trống liên hồi. Tiếp đó, ông Trưởng đoàn hát Bội tiến ra sân khấu dâng hương đèn lên khay lễ cho Ông Nam Hải. Lễ khai diên hát Bội đến đây kết thúc, đoàn hát Bội tiến ra sân khấu biểu diễn tuồng tích đã định để phục vụ bà con ngư dân đang chen chúc nhau xung quanh sân khấu.

        Theo tục lệ, lúc đoàn hát Bội biểu diễn trên sân khấu thường có 2 người đại diện của lăng Ông Nam Hải ngồi trước sân khấu để đánh trống cho đến khi kết thúc tuồng hát. Những đêm ngày có hát Bội, khung cảnh quanh lăng luôn chìm ngập trong không khí đông vui, náo nức bởi những dòng người đổ xô về xem hát. Tục lệ này còn duy trì đến ngày nay, thu hút đông đảo ngư dân đến thưởng thức nghệ thuật diễn xướng dân gian của các nghệ nhân. Điệu bộ, tiết tấu, giọng hát trầm bổng, khoan thai của các diễn viên trên sân khấu hòa nhịp một cách hữu cơ với quy cách tiết tấu giục, bình, thưởng, phạt của người đánh trống chầu gọi là chầu lai, chầu dưới gọi là chầu lèo. Chầu trên dành cho những người có vai vế, phẩm trật trong làng, trong vạn ngồi ở khoảng giữa, chầu dưới dành cho những người mê tuồng ngồi ở hai bên. Đây là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc của ngư dân Bình Thạnh cũng như ven biển Bình Thuận nói chung. Các dạng văn hóa nêu trên mang nhiều sắc thái biển do chính cuộc sống của ngư dân sáng tạo, vun đắp nên. Nó có một sức sống khá vững bền, được truyền đi truyền lại trong sinh hoạt văn hoá tinh thần của ngư dân từ đời này qua đời khác.

 


Trưởng lăng vạn đánh trống khai diên hát Bội

         Hát Bội được diễn ra trong 3 ngày đêm liên tục, ngày trước tuồng hát chủ yếu là các tích sử của Trung Hoa, mở đầu thường là tuồng “Quan Công” và kết thúc để làm lễ tôn vương là tuồng “San Hậu”. Vì có hậu là tôn vương mang ý nghĩa “hết cơn bi cực, đến thời thái lai”. Những đêm ngày hát Bội, xóm làng rộn rã trong không khí hội hè, từ trẻ em đến người già đều ăn mặc trang nghiêm, náo nức theo tiếng trống chầu giục giã. Nhiều người lội bộ hàng cây số để được xem tuồng “Lưu Kim Đính phá tứ môn thành”, diễn viên diễn xướng và bên dưới khán giả vỗ tay vang, các vị hương thân, thân hào, bá hộ quăng tiền thưởng lên sân khấu. Diễn viên hát Bội sống bằng tiền ném thẻ theo tiếng trống chầu ngợi khen đào, kép hát hay, diễn giỏi, lời tuồng thâm thúy…

          Tuy nhiên, ngày nay tại lăng Ông Nam Hải xã Bình Thạnh đến kỳ thực hiện lễ hội Cầu ngư phải bỏ tiền ra hàng chục triệu mời các đoàn hát Bội ở các tỉnh khác miền Trung vào diễn xướng để phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật và xem hát Bội của ngư dân. Hình thức tán thưởng bằng cách ném thẻ, đánh trống chầu vẫn còn được duy trì.
 
          Theo truyền tụng trong ngư dân tại địa phương, những năm trước đây khi mở hội và khai chầu hát Bội tại lăng Ông Nam Hải thì cũng là lúc đàn cá cơm nổi đỏ và áp lộng, lúc ấy trống chầu càng giụp giã, các thuyền chài vội vã rời vịnh để theo kịp đàn cá. Khi gặp may, những thuyền lưới trĩu nặng cá, họ phải tận lực mới kéo lên được và không bao lâu khoan thuyền đã đầy nhóc cá. Cảnh tượng xóm làng yên vui, sung túc nay vẫn còn lắng đọng vào câu chèo bả trạo:
         “Cá cơm nổi đỏ biển Đông
          Chờ cho Lạch hát theo Ông vào bờ”./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Chí Phú

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Nguyễn hữu phương - - 18/05/2018 05:31
vào ngày 29 tháng 5 năm 2018 tại ĐÌNH LÀNG LONG TĨNH ( MIẾU LONG TĨNH ) có tổ chức lễ hội truyền thống của dân làng em kính mời các anh chị ( VIẾT CÁC BÀI VIẾT Ở TRANG BẢO TÀNG BÌNH THUẬN ) ĐÉN THAM DỰ LỄ HỘI

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thông Báo - Giấy Mời - Văn Bản

Hiện Vật Tiêu Biểu

  • Tên hình ảnh 1
  • Ảnh khai thác cổ vật
  • Tên hình ảnh 1
  • Tên hình ảnh 1
  • Chèo bả trạo
  • Lễ nghinh ông
  • Bình gốm
  • Đàn đá
  • Rìu đá
  • Vươn miện của vua và hoàng hậu

Thư Viện Video Clip

Văn hóa Chăm Pa

Văn hóa Chăm Pa

Đã xem: 3271
13/02/2017
Khai quật cổ vật

Khai quật cổ vật

Đã xem: 2715
13/02/2017

Liên Kết WebSite

Thống Kê Truy Cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 196

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 195


Hôm nayHôm nay : 38280

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1290060

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 37560829

Đường Đi