Tìm Kiến

Tìm kiếm chọn lọc

CHÙA BÀ ĐỨC SANH - PHAN THIẾT

Thứ năm - 15/03/2018 04:44
Chùa Bà Đức Sanh

Chùa Bà Đức Sanh

        Chùa Bà Đức Sanh tọa lạc tại khu phố 1, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Di tích được tạo lập vào nửa đầu thế kỷ XIX, dưới đời vua Triệu Trị (1844). Thuở sơ khai Đức Sanh tự chỉ là một thảo am bằng tranh, tre, vách lá làm nơi thờ phụng “tam vị Thánh Mẫu” (có tên là Vân Tiêu, Bích Tiêu, Quỳnh Tiêu) tức Mẹ sanh, Mẹ dưỡng, Mẹ độ. Trải qua thời gian niềm tin vào sự linh hiển, chở che, của “tam vị Thánh Mẫu” ngày càng được người dân sùng bái và gọi với cái tên quen thuộc là chùa Bà Đức Sanh. Ngoài ra, chùa còn thờ 12 Bà mụ (thập nhị hoa nương, thập nhị thiên can) và năm bà Ngũ Hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ).

         Có thể nói chùa Bà Đức Sanh là di tích tiêu biểu và đặc trưng cho tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Phan Thiết. Từ khi tạo lập đến nay, chùa Bà Đức Sanh là nơi gửi gắm niềm tin, chỗ dựa tinh thần cho nữ giới với mong mỏi được thực hiện thiên chức làm mẹ, mang thai sinh nở và nuôi con khoẻ mạnh. Mang đến niềm tin, hy vọng giúp những người phụ nữ hiếm muộn thoát khỏi những khổ đau bất hạnh. Đó thực sự là những giá trị tốt đẹp, mang đậm tính nhân văn gắn chặt với niềm tin của người dân địa phương từ trước cho đến nay.

        Hàng năm tại chùa Bà diễn ra 3 lễ chính: Lễ tế Xuân diễn ra trong 3 ngày 18,19 và 20 tháng 3 âm lịch (gồm nghi lễ tế Tiền hiền và lễ vía đắc đạo đức bà Thai Sanh); Lễ vía năm bà Ngũ Hành diễn ra vào ngày mùng 8 tháng 6 âm lịch và lễ tế Thu diễn ra ngày mùng 2, 3 tháng 10 âm lịch. Thu hút đông đảo người dân đến chùa lễ bái. Ngoài ra vào các ngày mùng 1, rằm hàng tháng cửa chùa luôn rộng mở đón người dân vào thắp nhang lễ bái.

         Chùa Bà Đức Sanh thờ “tam vị Thánh Mẫu”  hiện thân của đức mẹ bảo bọc thiên chức làm mẹ của người phụ nữ, gắn liền với nét  đẹp văn hoá của tín ngưỡng thờ Mẫu, một hình thức tín ngưỡng dân gian đặc biệt của người dân Bình Thuận nói riêng và các tỉnh khu vực phía Nam nói chung. Chính sự linh hiển, chở che của “tam vị Thánh Mẫu” đã được nhà nước phong kiến triều Nguyễn thừa nhận và tặng sắc phong.
 Nội dung sắc phong cấp ngày 8 tháng 10 năm Duy Tân thứ 7 (1913):

          Sắc Bình Thuận tỉnh, Hàm Thuận phủ, Đức Thắng xã phụng sự Thai sanh Vân Tiêu, Quỳnh Tiêu, Bích Tiêu tam vị Thánh Mẫu nương nương chi thần, nẫm trứ linh ứng, hướng lai vị hữu dự phong. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh, miễn niệm thần hưu, trứ phong vi Dực bảo Trung hưng Linh phù chi thần, chuẩn y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai!
          Duy Tân thất niên, thập nguyệt sơ bát nhật.
Sắc mệnh chi bảo(ấn)

 Dịch nghĩa:
          Sắc xã Đức Thắng, phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận thờ phụng ba vị Thánh Mẫu nương nương tôn thần là đức Thai sanh Vân Tiêu, Quỳnh Tiêu, Bích Tiêu, giúp nước cứu dân từng nhiều lần hiển hiện linh ứng, trước nay chưa được dự phong. Ta nay vâng theo mệnh sáng của trời, nghĩ nhớ đức tốt của thần, phong là thần Dực bảo Trung hưng Linh phù, chuẩn cho thờ phụng như cũ. Thần thì phải giúp đỡ bảo vệ cho dân đen của ta, kính đấy!
          Ngày 8 tháng 10 năm Duy Tân thứ 7 (1913).
          (Có đóng ấn “Sắc mệnh chi bảo”)

          Bên cạnh những giá trị về văn hóa tâm linh, chùa Bà Đức Sanh được coi là một công trình kiến trúc nghệ thuật dân gian bề thế, trang nghiêm, được bảo lưu gần như nguyên vẹn những giá trị vốn có ban đầu. Các hạng mục kiến trúc được bố trí theo dạng chữ “tam” nối ghép từ trước ra sau trên một trục thẳng bao gồm: Chính Môn, Cổng Tam Quan, Tiền Sảnh, Võ Ca, Chính Điện, nhà Nhóm, nhà Khói và Cổng Hậu. Chùa Bà Đức Sanh là nơi còn bảo lưu được nhiều di vật cổ có giá trị về điêu khắc nghệ thuật và lịch sử văn hóa. Đáng kể nhất là nghệ thuật điêu khắc, tạo hình trên các hương án, khám thờ, bao lam, thủ quyển bài trí bên trong nội thất cũng như trên các bộ phận trong kết cấu kiến trúc các nóc nhà như kèo, trính, con đội... tạo nên những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật dân gian hoàn mỹ. Đến nay, chùa Bà Đức Sanh còn lưu giữ nhiều tư liệu Hán Nôm quý như: hoành phi, câu đối, sắc phong, bảng ghi công đức… đặc biệt là 2 sắc phong dưới đời vua Duy Tân và Khải Định.

           Với những giá trị đó, Chùa Bà Đức Sanh được UBND tỉnh xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật tại Quyết định số 4316/QĐ-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2005. Hiện nay, chùa Bà là một trong những địa điểm tâm linh thu hút đông đảo người dân đến chùa lễ bái, đặc biệt là nữ giới. Điều đó cho thấy nét đẹp văn hoá truyền thống của tín ngưỡng thờ Mẫu ngày càng giữ vị trí quan trọng trong cuộc sống hôm nay, hướng con người về với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc./.

Tác giả bài viết: Phòng Bảo tồn và Quản lý di tích

Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thông Báo - Giấy Mời - Văn Bản

Hiện Vật Tiêu Biểu

  • Tên hình ảnh 1
  • Ảnh khai thác cổ vật
  • Tên hình ảnh 1
  • Tên hình ảnh 1
  • Chèo bả trạo
  • Lễ nghinh ông
  • Bình gốm
  • Đàn đá
  • Rìu đá
  • Vươn miện của vua và hoàng hậu

Thư Viện Video Clip

Văn hóa Chăm Pa

Văn hóa Chăm Pa

Đã xem: 3244
13/02/2017
Khai quật cổ vật

Khai quật cổ vật

Đã xem: 2697
13/02/2017

Liên Kết WebSite

Thống Kê Truy Cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 437

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 434


Hôm nayHôm nay : 78378

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2705764

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 35929535

Đường Đi